Đời sống
Sức sống đồ chơi dân gian mùa Trung Thu
Những món đồ chơi truyền thống như: đèn ông sao, đèn kéo quân, ông tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy bồi... là một phần không thể thiếu, tạo nên nét riêng của Tết trung thu.

Và đằng sau những món đồ chơi giản dị đó là câu chuyện tâm huyết gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, để những món đồ chơi dân gian có sức sống lâu bền giữa cuộc sống hiện đại.

Mùa trung thu đến, ông Hòa lại tất bật với nghề làm mặt nạ giấy bồi và lan tỏa tình yêu đó đến với các em nhỏ. Đã hơn 40 năm, có những lúc hàng không bán được bởi mặt nạ nhựa và đồ chơi ngoại xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng ông vẫn không bỏ nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa – Phố Hàng Than, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội: “Thì năm nào cũng làm, dù có lúc khó khăn chậm bán thật nhưng hàng tôi vẫn túc tắc.” Em Lê Anh Dũng – TP. Hà Nội: “Con rất thích đồ chơi Trung thu, con tô mặt nạ giấy bồi, tô mặt nạ đầu trâu.”

Cũng như ông Hòa, mỗi dịp Trung Thu về, không khó để gặp hình ảnh những người thợ thủ công cần mẫn làm và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống. Năm nay, ông Quyền làm hơn 500 chiếc đèn kéo quân phục vụ nhu cầu của thị trường. Nhiều năm gắn bó với nghề làm đồ chơi Trung Thu, ông đã có thể yên tâm khi ngày càng có nhiều người đã yêu và muốn nghe những câu chuyện xung quanh món đồ chơi truyền thống.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền – Xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội: “Gặp nhiều trường hợp đến đây bảo nghe tin ở đấy có đèn lồng phải đến đây mua cho con cháu chơi. Đấy là cái động viên cho chúng tôi rồi.”

Em Vũ Ngọc Khánh – TP. Hà Nội: “Theo như em thấy thì những đồ chơi dân gian này có một sức sống lâu bền và mỗi đồ chơi luôn có câu chuyện, mong muốn được gửi gắm trong đấy, em cảm thấy thú vị và hào hứng với những món đồ chơi này mỗi dịp Trung Thu tới.”

Dù còn lại không nhiều nghệ nhân làm đồ chơi trung thu truyền thống, nhưng với tâm huyết của mình, họ vẫn giữ nghề bằng cả tình yêu và trách nhiệm.

Nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh – Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội: “Có rất nhiều, kể cả có bạn thanh niên bảo năm nào cháu cũng đến cũng mua 1 vài thứ. Mình cảm thấy rằng vẫn có người trân trọng, có người thích thành ra nhiều khi muốn bỏ nhưng mình không bỏ được.”

Cùng với sự bền bỉ giữ nghề của mỗi nghệ nhân, tại Hà Nội khoảng hơn 10 năm trở lại đây, từ thành công của Bảo tàng Dân tộc học, ngày càng có nhiều hoạt động quảng bá đồ chơi tại các bảo tàng, phố cổ dịp trung thu về. Những món đồ chơi truyền thống, an toàn cho sức khỏe vẫn có “sức sống” rất riêng.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục