Mạo hiểm khi không bám cốt truyện và cái kết đắng
Kịch bản khởi đầu là một sự kết hợp giữa câu chuyện nguyên tác và vở ballet của Tchaikovsky. Tuy nhiên thực tế, bộ phim lại tập trung vào cuộc phiêu lưu của nữ chính Clara (Mackenzie Foy) hơn là thể hiện vẻ đẹp của vở ballet. Trong phim, phân cảnh duy nhất liên quan tới ballet là khi nữ vũ công người Mỹ Misty Copeland trình diễn những điệu múa kể lại lịch sử của bốn vương quốc.
Sự thiếu vắng hình ảnh môn nghệ thuật ballet có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự thất bại của “Kẹp hạt dẻ và bốn vương quốc” khi nguyên tác vốn là một tác phẩm được truyền tải qua các điệu múa. Nếu các nhà làm phim chú trọng khắc họa câu chuyện bằng những điệu múa hơn thì có lẽ bộ phim sẽ không trở thành thảm họa.
Chưa dừng lại ở đó, mặc dù các nhà làm phim đã cố sáng tạo và làm mới so với nguyên tác song chẳng hiểu sao nội dung phim vẫn theo mô típ “xưa như trái đất”, đơn giản theo kiểu “thiện thắng ác”. Xem đến phần Kẹo Viên cầu cứu Clara tìm chiếc chìa khóa khởi động đội quân bảo vệ bốn vương quốc, có lẽ bất kỳ khán giả nào cũng đoán được diễn tiến tiếp theo là gì. Chính kịch bản quá đơn giản, nhàm chán đã khiến bộ phim đánh mất cơ hội cạnh tranh với các đối thủ khác.
Thiếu điểm sáng và rời rạc
Việc tạo nên câu chuyện mới cho Kẹp hạt dẻ và 4 vương quốc khó tránh khỏi những hạt sạn đáng tiếc. Theo tờ Screen Rant, phim có tiết tấu chậm chạp, thiếu cao trào, thiếu chi tiết ấn tượng và hoàn toàn không để lại bất kỳ cảm xúc gì cho khán giả.
Về mối quan hệ giữa Clara và Kẹp hạt dẻ Phillip (Jayden Fowora-Knight), nếu như nguyên tác mang đến cái kết mỹ mãn với tình yêu của cả hai thì bộ phim lại cho thấy sự gượng gạo, thiếu gắn kết của cặp đôi này. Trong khi Clara có nhiều đất thể hiện tài năng và sự quyết đoán của mình thì Phillip dường như còn bối rối khi tìm một chỗ đứng trong bộ phim. Anh chàng đơn giản chỉ chăm chăm chạy theo Clara và làm theo “lệnh”, hoàn toàn không cho thấy cá tính riêng của mình.
Ngoài ra, Clara được khắc họa là một cô bé rất yêu mẹ và vô cùng đau lòng khi mẹ mất. Tuy nhiên, trong cả bộ phim, hầu như không có phân cảnh mà Clara hồi tưởng lại những kỷ niệm đáng nhớ với mẹ. Thay vào đó là những câu thoại khá “nhạt” nhắc nhớ về người mẹ. Điều này khiến bộ phim thiếu đi những khoảng lặng cảm xúc cần thiết.
Điểm cộng duy nhất
Như đã nói ở trên, điểm thành công nhất của bộ phim chính là phần thiết kế bối cảnh sinh động và phục trang nhân vật lộng lẫy, công phu. Thế giới Bốn vương quốc hiện lên sống động, mỗi nơi mang một màu sắc cổ tích, nhiệm màu riêng. Những chú lính đồ chơi hay Vua Chuột đáng sợ được tạo bằng kỹ xảo vi tính hiện đại vô cùng sống động, xứng đáng với 120 triệu USD hãng Disney đã đầu tư.
Nguy cơ ẵm giải Mâm xôi vàng
Việc Walt Disney gần đây liên tục làm lại những tác phẩm hoạt hình kinh điển của mình sang phiên bản live-action đang cho thấy sự thiếu thốn về kịch bản và bế tắc trong ý tưởng, dẫn đến không ít cú “flop” ê chề. Trong đó, “Kẹp hạt dẻ và bốn vương quốc” là tác phẩm nếm “trái đắng” tiếp theo sau “Cinderella” và “Alice Through the Looking Glass”,…
Nhìn tổng thể, xem xong bộ phim chỉ có thể đọng lại 3 chữ “nhạt và tệ”. Điều này cũng một phần giải thích vì sao “Kẹp hạt dẻ và bốn vương quốc” bị đánh giá 34% điểm trên Rotten Tomatoes và 37% trên Metacritic. Đây là số điểm thấp nhất mà bộ phim Disney phải nhận trong năm 2018.
Không chỉ thế, bộ phim còn mang về doanh thu đáng thất vọng. Mặc dù ra rạp trong thời điểm không có đối thủ đáng gờm nào song doanh thu cuối tuần qua của “Kẹp hạt dẻ và Bốn vương quốc” vẫn chấp nhận xếp sau “Bohemian Rhapsody”, một tác phẩm được đánh giá khá thấp trước đó.
Với những thất bại trên, có thể “Kẹp hạt dẻ và bốn vương quốc” sẽ phải ẵm trọn giải Mâm xôi vàng năm nay cùng người anh em “A Wrinkle in Time”.
Dakmon