Nhuệ Giang cảnh báo: “Chắc vài hôm như vậy thì rạp sẽ cho phim “Song lang” out sớm thôi, nên nếu không đi xem ngay các bạn sẽ mất cơ hội xem một phim nghệ thuật hay”.
Đêm thứ 6, 24/8, bất chấp trời mưa tôi đi xem “Song lang” ở buổi 21h35, tại CGV Vincom, Bà Triệu (Hà Nội). Tình hình không đến mức ảm đạm như đạo diễn Phạm Nhuệ Giang hay một số khán giả đã phản ánh trên mạng xã hội: Cả rạp có vài người xem. Buổi ấy, có gần 30 khán giả, trong điều kiện thời gian và thời tiết như vậy, với một bộ phim được (hay bị?) xếp vào dòng nghệ thuật, thì lượng khán giả như vậy, theo tôi, cũng chẳng đến nỗi nào. Đáng nói là nhận xét của khán giả. Bước ra khỏi rạp vào quãng 23h30, nhiều gương mặt mỏi mệt. Đi sát một đôi bạn trẻ, tôi nghe họ than: Phim buồn nẫu ruột. Hai bạn gái khác đi chung thang máy với tôi kêu: “Thật lãng phí tiền mua vé. Phim chẳng có gì”.
Vậy, bạn trẻ mong gì ở “Song lang”? Ngay tên phim đã dễ lập lờ. Song lang một nhạc cụ quan trọng để cầm nhịp trong dàn nhạc tài tử-cải lương. Nhưng “Song lang” còn có nghĩa ai cũng hiểu ngầm “Hai chàng trai” hay “Hai chàng rể”, gợi hơi hướng ngôn tình ở nhánh đam mỹ. Theo tôi, yếu tố câu khách, đam mỹ ở “Song lang” rất mờ nhạt, chỉ nên gọi như Phạm Nhuệ Giang, đó là “tình nghệ sỹ”.
“Song lang” là câu chuyện giữa một gã đòi nợ thuê có gốc gác nghệ sỹ (Liên Bỉnh Phát đóng) với kép đẹp tài danh Linh Phụng (Isaac đóng). Hai gã đàn ông cô độc và buồn bã trong cõi đời, đã vô tình va chạm nhau rồi cảm mến nhau, tìm thấy ở nhau những nét đồng điệu trong tâm hồn và cuối cùng cảm hóa nhau, người này giúp người kia “rũ bùn” trở lại con đường lương thiện… Nếu ai đó coi đây là bộ phim về đề tài đồng tính được thể hiện một cách lãng mạn và tinh tế cũng được. Nhưng giới trẻ đã say mê truyện ngôn tình ắt không hài lòng, họ cảm thấy bị lừa nếu đem “Song lang” bỏ vào “rọ” ngôn tình đam mỹ. Mặc dù hai gã cô đơn, một xinh trai, một gồ ghề, lạnh lùng có qua đêm với nhau, nhưng lại chẳng chịu làm gì (thế thì nói làm gì?). Hiếm hoi mới có cảnh gã đòi nợ thuê lặng ngắm kép đẹp đang ngủ trong tư thế dịu dàng, khoe gương mặt thanh tú.
Giống như những bộ phim thuộc dòng nghệ thuật khác ở ta, cứ ra lò là bị “soi”. Nhiều người nói “Song lang” được “tái sinh” từ “Bá Vương biệt Cơ”, bộ phim điện ảnh của Trần Khải Ca, sản xuất năm 1993, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Lý Bích Hoa, tên phim và tiểu thuyết được lấy từ vở kinh kịch “Bá vương biệt Cơ”. Cả hai tác phẩm điện ảnh đều sử dụng hình thức cốt truyện của bộ phim được lồng song song với cốt truyện của vở tuồng, nói cách khác là “sân khấu và cuộc đời hòa quyện”. Nhân vật chính trong “Song lang” và “Bá Vương biệt Cơ” đều có kết cục thảm, chỉ khác nhân vật trong “Bá Vương biệt Cơ” là Trình Điệp Y tuốt gươm tự sát, còn nhân vật trong “Song lang” bị sát hại. Vở tuồng trong “Song lang” là “Mỵ Châu- Trọng Thủy”. Trên sân khấu khi kép đẹp Linh Phụng trong vai Trọng Thủy đang ôm xác Mỵ Châu nước mắt như mưa thì ngoài kia một nhát dao đã kết thúc cuộc đời gã đòi nợ thuê vừa quyết định “rửa tay gác kiếm”. Gã chết khi chưa kịp trở lại làm người lương thiện, kết thúc này khiến một số khán giả còn liên tưởng đến nhân vật Chí Phèo của Nam Cao.
Tuy nhiên, ngay cả giống “Bá Vương biệt Cơ” hay “Chí Phèo” ở chi tiết nọ kia cũng không có gì ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm. Rõ ràng học hỏi đạo diễn Trần Khải Ca, hay mang hơi hướng Nam Cao đều tốt, đó là những bậc thầy trong nghệ thuật. Sự “dìm hàng” vì “Song lang” có màu sắc “Bá Vương biệt Cơ” không công bằng cho những người làm phim của ta, bởi vì họ tiếp thu (chứ không copy) để sáng tạo nên “đứa con” mang dấu ấn của riêng mình. Trong khi nghệ thuật cải lương hiện nay cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống đang rơi vào cảnh ảm đạm thì một bộ phim điện ảnh dám chọn cải lương làm đề tài chủ đạo đã cực kỳ dũng cảm. Hơn thế, họ không làm qua quýt mà đầu tư nghiêm túc. Hiếm có một bộ phim Việt nào tái hiện không khí cải lương Nam Bộ ở những năm tháng hoàng kim lại hấp dẫn đến thế, dù hoạt động của nó chỉ diễn ra quanh một cái rạp nhỏ (rạp Thiên Lý). Cũng khó có một bộ phim nào tái hiện hình ảnh Sài Gòn những năm xưa tuyệt vời hơn “Song Lang”: Một Sài Gòn buồn bã, với ánh đèn đêm phả ánh sáng màu vàng yếu ớt, với những khu chung cư tối tăm, với những con người nhọc nhã mưu sinh trong muôn mặt cuộc đời… Càng đáng nói hơn, khi người sinh ra “đứa con” đậm bà bản sắc Việt lại là một đạo diễn Việt kiều.
“Song lang” là phim thứ 4 sản xuất bởi Ngô Thanh Vân, là phim thứ 3 do cô sản xuất đi theo dòng tôn vinh văn hóa Việt (trước đó là Tấm Cám: Chuyện chưa kể; Cô Ba Sài Gòn). Nhưng xem ra “Song lang” là bộ phim khó chinh phục đông đảo khán giả hơn hai phim trước đó. Đừng trách khán giả trẻ khi họ kêu phim “buồn nẫu ruột” hoặc “chuyện chẳng có gì”… Những thông điệp tử tế: Phim tôn vinh văn hóa Việt, sống lại cải lương ở thời vàng son, tái hiện Sài Gòn của những năm tháng cũ… rất ít phát huy tác dụng trong việc lôi kéo khán giả trẻ đến với phim. Trước đó những người làm phim đã khiến giới trẻ phát cuồng vì tung ra hình ảnh “nhá hàng” rất gợi ngôn tình đam mỹ. Đến khi xem, mọi sự không diễn ra như mong muốn, thất vọng cũng là dễ hiểu. “Song lang” vắng khán giả, cũng giống như tình cảnh của cải lương hiện nay. Tâm huyết thôi vẫn chưa đủ. Như NSND Bạch Tuyết nói: Cải lương cũng cần phải mới. Tôn vinh văn hóa Việt cần như thế.