Sao
Giao lưu nhiều quá có ‘lạc đường’?
Đội tuyển U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á 2018 từng lạc đường khi tìm sân tập trước tứ kết. Trước đó, ĐTVN và U22 VN cũng “lạc đường” ở AFF Cup 2016 và SEA Games 2017. U23 VN giờ đây có “lạc đường”?

Lạc đường theo nghĩa đen. Vào tháng 1/2016, để chuẩn bị bước vào đợt tập luyện cuối cùng trước khi tham dự vòng chung kết U23 châu Á 2016, do lái xe không thông thạo đường, nên thầy trò HLV Miura đã không thể đến sân tập đúng giờ trong buổi tập đầu tiên tại Qatar. Còn xa hơn, tại SEA Games 27-2013, buổi tập đầu tiên của đội U23 Việt Nam tại thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar) bị trễ 15 phút vì xe chở đội đi lạc đường.

Đó là những lạc đường theo nghĩa đen. Về nghĩa bóng cũng có nhiều cầu thủ và cả ĐT U23 VN, ĐTVN “lạc đường” sau những thành công ban đầu. Không ít cầu thủ đá hay ở độ tuổi U23 , nhưng lại lặn dần khi bước chân vào ngưỡng trưởng thành bởi những thành công quá sớm.

Ảnh minh họa: Internet

Trở về quá khứ, bóng đá Việt Nam trong 2 năm liên tiếp 2016, 2017 đều bị “sốc” nặng. Đội tuyển Việt Nam bại trận trước Indonesia ở AFF Cup 2016, còn lứa U22 để hòa trong thế hơn người trước chính người Indonesia tại SEA Games 29 và trận thua không thể bào chữa dưới tay U22 Thái Lan. Trước đó, sự hợp tác của bóng đá Việt Nam và Nhật Bản đang diễn ra tốt đẹp, nhưng từ khi VFF ủng hộ Nguyễn Hữu Thắng lên làm HLV trưởng, HLV Miura buộc phải ra đi! Chỉ đến khi có HLV Park Hang-seo, U23 Việt Nam mới làm nên kỳ tích.

Không biết U23 Việt Nam có là ngoại lệ hay không. Nhưng nguy cơ dành cho những Quang Hải, TM Tiến Dũng… là có thực.

Lo cho U23 Việt Nam

Kỳ tích của U23 Việt Nam đã vượt khỏi khuôn khổ bóng đá. Phải rất lâu nữa, đường phố Việt Nam từ thôn quê cho tới thành thị mới chứng kiến một sự kiện đủ sức làm cho hàng triệu người cùng ra đường diễu hành.

U23 Việt Nam đã đại diện cho tinh thần bất khuất và niềm tự hào của một dân tộc không bao giờ lùi bước trước nghịch cảnh. U23 Việt Nam đã chạm đến tận cùng cảm xúc khán giả, cầu thủ U23 Việt Nam trở thành người hùng. Nhưng cũng từ đây, những vấn đề khó khăn bắt đầu xuất hiện.

Trở về từ Trung Quốc, thủ môn Bùi Tiến Dũng vẫn chưa có bữa ăn nào trọn vẹn khi liên tục phải “chạy sô” để thực hiện phỏng vấn, họp báo, các chương trình truyền hình trực tiếp… Công Phượng không được ăn một bữa cơm nhà do mẹ nấu. Hầu hết các tuyển thủ khác cũng vậy. Từ Hà Nội đến đồng bằng sông Hồng, lên miền sơn cước rồi đến TPHCM, các tuyển thủ phải làm hài lòng người hâm mộ.

Suy cho cùng, Bùi Tiến Dũng hay những thành viên khác của U23 Việt Nam cũng chỉ là những cầu thủ trẻ. Phong độ nhất thời ở một giải đấu chưa đủ để khẳng định được tài năng của một lứa cầu thủ. Tại CLB FLC Thanh Hoá, Tiến Dũng chỉ là thủ môn dự bị, sau cả Bửu Ngọc và Thành Thắng.

Một tuần trở về Việt Nam để “chạy sô” có khi còn mệt nhọc, vất vả hơn hai tuần đá bóng trên đất Thường Châu (Trung Quốc). Mà đằng sau nó, còn rất nhiều hệ lụy kéo theo. Giờ đây, U23 Việt Nam phải qua một thử thách mới là đứng vững trước những thực tế đời thường sau khi thành công.

U23 Việt Nam sẽ phải so tài với những “đối thủ” mạnh hơn nhiều so với U23 Uzbekistan trong trận chung kết. Đó là những danh vọng, tiền tài và những lời tung hô, ca tụng, những hâm mộ của giới trẻ… Thành công quá sớm có thể khiến một lứa cầu thủ tài năng lạc lối trong những cám dỗ đời thường.

Theo TPO


Bình luận

Tin cùng chuyên mục