TV Show
Chuyện Cảnh Giác: Cảnh giác với thủ đoạn gọi video “deepfake”
Hack tài khoản mạng xã hội, rồi mạo danh chủ tài khoản nhắn tin cho nhiều người trong danh sách bạn bè để mượn tiền, hòng chiếm đoạt tài sản. Đây có lẽ là một chiêu thức lừa đảo không hề mới, đã từng có không ít nạn nhân sập bẫy. Thế nhưng hiện nay, chiêu trò này lại đang biến tướng dưới một hình thức lừa đảo khác còn tinh vi hơn, khi kẻ gian sử dụng công nghệ video Deepfake. Từ hình ảnh của một người bất kỳ, Deepfake có thể tạo ra video cho thấy người đó đang cử động, nói chuyện, thậm chí là phát ra giọng nói rất giống với giọng nói thật của người trong ảnh, khiến các nạn nhân lầm tưởng đây chính là người thân, bạn bè của mình và cho mượn tiền, cho vay tiền, để rồi mất mát tài sản oan uổng.

Cụ thể, tài khoản người thân chị Tâm bên Mỹ nhắn tin mượn tiền vì có việc gấp. Liền sau đó chị Tâm nhận được cuộc gọi video qua ứng dụng Messenger của Facebook.

“Cuộc gọi chỉ diễn ra được vài giây nhưng đủ để tôi thấy được khuôn mặt người thân của mình cùng với cách xưng hô quen thuộc nhưng chập chờn. Sau đó tôi nhận được tin nhắn vì sóng yếu nên không gọi video tiếp được, chuyển sang nhắn tin cho tiện. Tôi tin tưởng và chuyển tiền theo hướng dẫn không chút nghi ngờ”, chị Tâm kể lại.

Tương tự, chị Thu Hòa cũng bị lừa 20 triệu đồng với cùng chiêu lừa như trên. “Sáng tôi đã chuyển tiền cho bạn mình sau cuộc gọi video qua Facebook từ bạn. Đến chiều tôi mới nhận được tin nhắn cảnh báo tài khoản Facebook của bạn tôi đã bị hack. Tôi liền gọi điện thoại cho bạn thì mới biết kẻ xấu đã dùng chiêu gọi video mạo danh để lừa tôi”, chị Thu Hòa bộc bạch.

Deepfake là một công nghệ AI có khả năng làm giả video với hình ảnh và giọng nói của một người khác.

Kịch bản lừa đảo diễn ra như: kẻ lừa đảo tìm cách chiếm đoạt tài khoản Zalo, Facebook của người dùng, tiếp đó thu thập hình ảnh (có thể cả giọng nói của nạn nhân từ các video) và dùng Deepfake tạo ra đoạn video mạo danh.

Sau đó kẻ lừa đảo tiến hành nhắn tin mượn tiền những người dùng trong danh sách bạn bè Facebook của nạn nhân, đồng thời thực hiện cuộc gọi video mạo danh, phát video giả mạo để tăng độ tin cậy nhằm lừa đảo thành công hơn.

Theo chuyên gia, tính đến thời điểm hiện nay, video Deepfake vẫn đang giai đoạn có thể nhận biết ra được những chi tiết khác thường, nếu như người xem chú ý vào các đặc điểm như: chuyển động cơ thể bị giật, không tự nhiên, ánh mắt thay đổi nhiều hoặc hoàn toàn không chớp mắt, tông màu da không đúng, hoặc âm thanh và khẩu hình miệng không khớp…   

Tuy nhiên, dù như thế nào đi nữa thì người dân vẫn phải hết sức cẩn trọng khi nhận được những tin nhắn mượn tiền từ bất cứ ai, dù cho đó là người thân, bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên… thì cũng đều phải cảnh giác. Hãy tỉnh táo, suy xét thật kỹ tình huống, nếu người mượn tiền có liên tục hối thúc chuyển tiền thì cũng hãy nhớ phải thật bình tĩnh, không vội vàng. Sau đó, nên chủ động gọi video cho người mượn tiền để xác nhận. Nên để cuộc gọi kéo dài trong khoảng thời gian vài phút, và trong lúc nói chuyện, thì giả vờ đặt ra một số câu hỏi cá nhân mà chỉ có bạn và người mượn tiền mới biết được, từ đó sẽ dễ dàng xác minh thực hư. Đồng thời, cũng nên thực hiện thêm cuộc gọi qua số điện thoại trực tiếp của người mượn tiền, để xác minh chính xác một lần nữa, tránh phải rơi vào tình trạng bị lừa đảo, mất tiền oan uổng.

Trường hợp nghi ngờ có kẻ giả mạo cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

(Hình ảnh trong bài viết là diễn viên tái hiện tình huống, chỉ mang tính minh họa, không phải nhân vật thật)

Quý vị đừng quên đón xem Chuyện Cảnh Giác được phát sóng vào lúc 16 giờ 40 phút vào Chủ nhật hằng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục