Ở các tỉnh miền Tây, tháng 5 âm lịch cũng là mùa ốc gạo nên những món ăn trong ngày này được chế biến rất khéo léo và bắt mắt, đặc biệt là món bánh xèo ốc gạo. Mùa ốc gạo thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch hàng năm và ngon nhất là vào tháng 5 âm lịch. Lúc đó, ốc gạo béo tròn, thịt đầy đặn, ăn đến đâu thấm đầu lưỡi đến đó, ngon không cưỡng được. Về Bến Tre mà không thưởng thức bánh xèo ốc gạo quả là một thiếu sót. Bánh xèo ốc gạo thơm ngon, giòn rụm, là món bánh ngon ai đã một lần nếm thử sẽ khó quên được mùi vị. Để làm bánh xèo ốc gạo thì nguyên liệu quan trọng nhất chính là ốc gạo. Trước khi mang ốc đi luộc, người ta thường cho ốc vào thau nước vo gạo ngâm cùng ớt trái đập giập để ốc nhả sạch hết bả nhờn. Ốc gạo luộc chín vớt ra tô, dùng tăm tre hoặc kim để lấy phần thịt ốc ra. Sau đó, lấy ốc gạo xào sơ qua với hành tây và hẹ thái mỏng, nêm nếm gia vị cho vừa ăn ta được phần nhân bánh xèo thơm ngon.
Để món bánh xèo ốc gạo ngon, ngoài nhân bánh, vỏ bánh cũng là một thành phần quan trọng. Đầu tiên phải trộn bột làm bánh xèo với nước cốt dừa, trứng, bột nghệ và hành lá thái mỏng. Công đoạn tráng bánh xèo khá đơn giản nhưng đòi hỏi người làm phải khéo léo và tỉ mỉ để bánh tròn, mép bánh không bị rách. Đổ một ít bột bánh xèo vào chảo, dát thật mỏng, sau đó cho nhân ốc gạo vào rồi cuộn lại, chiên giòn hai mặt bánh. Bánh ăn cùng nước mắm chanh tỏi ớt và các loại rau sống như cải bẹ xanh, xà lách, đọt bằng lăng,…
Cùng với bánh xèo ốc gạo, cháo cua đồng cũng là món đặc sản không thể bỏ qua khi đến với Bến Tre. Lẩu cháo cua đồng Bến Tre được ăn kèm với các nguyên liệu như rau, thịt bò, trứng, cá phi lê…Với hương vị vô cùng hấp dẫn và thơm ngon sẽ khiến cho các du khách không thể cưỡng lại được, và khi một lần được thưởng thức bạn sẽ nhớ mãi hương vị, và muốn ăn mãi không thôi.
Để có được một nồi lẩu cháo thơm ngon, cua đồng phải còn sống, được rửa sạch, bóc vỏ yếm, gỡ mai nạo lấy gạch trong cua để riêng, còn lại cho vào cối giã nát, sau đó lọc lại, cho ít muối, hạt nêm, tiêu. Sau đó, cho hỗn hợp cua vào nồi, đặt lên bếp để lửa vừa rồi chờ đến khi sôi và tiến hành vớt váng cua nổi trên mặt nước.
Cháo nấu lẩu cua đồng phải thật loãng, ngập nước dùng để còn nhúng rau. Khi cháo chín mới đưa vào nồi lẩu cua đồng có nấm rơm, hẹ, hành tím, tiêu, ngò, hành lá và nêm mắm muối cho vừa ăn. Gạch cua cũng xào riêng cho dậy thơm và cho vào lẩu. Món ăn sẽ thêm phần hấp dẫn nếu bạn kết hợp với nhiều loại rau đồng quê: rau má, rau ngót, rau mồng tơi và mướp hương… Và một chút gừng xắt sợi kèm theo, cùng nước chấm mắm ngon cũng sẽ làm bạn ấm bụng hơn với món lẩu này.
Chính cái hương vị đặc sắc, mùi thơm ngon ngọt của cua, ốc cùng với những loại rau dân dã nơi sông nước miền Tây đã làm nên món bánh xèo ốc gạo nổi danh Bến Tre và món cháo cua đồng quyến luyến rất nhiều thực khách mỗi khi có dịp thưởng thức.