Hạt gạo dẻo thơm không chỉ là thứ cốt yếu trong bữa ăn hằng ngày mà còn góp một phần không nhỏ vào nền ẩm thực Việt, biến hạt gạo từ vẻ khiêm tốn trở thành những món ăn thanh tao cũng có, cầu kỳ cũng có mà đơn giản ấm bụng cũng có. Bằng sự tài tình trong chế biến các nguyên liệu nấu nướng từ gạo, người miền Tây đã tạo nên diện mạo của cả một nền ẩm thực.
Bún tôm khô vốn dĩ là món ăn có nguồn gốc từ món bún riêu của miền Bắc nhưng khi du nhập vào phương Nam, món ăn này đã thay đổi không ít để phù hợp với phong vị của con người nơi đây. Để nấu nước lèo, người ta dùng tôm khô, xương ống ninh kỹ, huyết vịt… nên món ăn có vị ngọt thanh, rất đặc trưng. Miếng chả trong tô bún được làm từ con tôm khô ngâm nở, bằm nhỏ trộn chung với trứng vịt rồi đem đi chưng cách thủy. Rau dùng cho tô bún là bắp chuối, rau muống chẻ.
Ngồi trước tô bún tôm khô Cái Răng nóng hổi giữa ngày mưa, thong thả nêm thêm vào nước lèo chút mắm ruốc, chanh, ớt… tùy khẩu vị rồi nhẩn nha thưởng thức cái đằm thắm, ngọt ngào của món ăn ta không khỏi cảm ơn đất trời vì được sinh ra từ nền văn minh lúa nước.
Vị ngọt của tôm khô và chả tôm thịt hòa quyện với vị chua mát của cà chua. Tất cả đã làm nên hương vị rất riêng. Ăn kèm với tô bún là dĩa rau muống chẻ nhỏ xanh mướt và giá sống trắng tinh, vài cọng ngò gai thơm tho hương vị quê nhà.