Tồn tại hơn trăm năm nay, nghề làm gốm ở xã Pro Huyện Đơn Dương Lâm Đồng vẫn vang danh gần xa với sản phẩm gốm độc đáo. Từng sản phẩm gắn liền với sự sáng tạo, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của người thợ đã trở thành dụng cụ quen thuộc trong căn bếp nhà của người dân nơi đây.
Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, người nghệ nhân Mo Lem hơn 50 năm nay, ngày ngày vẫn cần mẫn nhào đất, nặn ra những sản phẩm độc đáo từ gốm. Công việc của bà không chỉ là câu chuyện mưu sinh mà còn là câu chuyện về cái tâm quyết gìn giữ và bảo tồn nghề làm gốm truyền thống mà Tổ Tiên đã để lại.
Người Churu chế tác đồ gốm bằng những kỹ thuật hết sức đơn giản, các sản phẩm hoàn toàn được tạo hình bởi đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân mà không cần dùng đến bàn xoay. Đất sét sau khi được lấy về sẽ phơi khô, giã nhỏ, sàng, rồi nhào với nước cho mịn. Lúc này, người làm mới chính thức bước vào công đoạn tạo hình cho sản phẩm gốm. Các vật dụng như thanh gố, trám rừng, hay miếng vãi sẽ hỗ trợ người thợ để chuốt cho sản phẩm thêm mịn, đẹp. Và gốm sau khi đã thành hình sẽ được mang đi phơi, dưới ánh nắng mặt trời gốm chỉ cần trải qua 2 nắng đã có thể dùng quả trám rừng đánh bóng. Khi sản phẩm đã đạt được độ bóng, mịn, ưng ý, người thợ sẽ thổi lửa và đưa sản phẩm vào nung.
Có thể thấy, sản phẩm gốm của người Churu nổi tiếng bởi hoạ tiết trang trí hoa văn lấy từ cuộc sống thường ngày, giản đơn nhưng không kém phần tinh tế. Không chỉ đẹp về hình thức mà còn ẩn chứa sắc thái văn hóa, thể hiện tâm hồn phong phú của người Churu trên mảnh đất cao nguyên Lâm Đồng.