TV Show
Đũa đước Cà Mau
Đước loài cây chiếm số lượng nhiều và có giá trị cao nhất trong rừng ngập mặn Cà Mau. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có, từ lâu bà con Cà Mau sử dụng gỗ đước để làm đũa ăn cơm. Trong điểm đến tiếp theo của Việt Nam mến yêu, MC Quang Huy và Thu Thảo tìm hiểu về nghề làm đũa đước tại Cà Mau.

Đước loài cây chiếm số lượng nhiều và lại có giá trị cao nhất trong rừng ngập mặn Cà Mau. Đước không chỉ mang lại bầu sinh quyển xanh, là niềm tự hào của người Cà Mau, mà còn là nguồn tài nguyên quý để phát triển ngành nghề truyền thống trong đó có nghề làm đũa đước. Ở đâu có rừng đước thì ở đó có nghề làm đũa đước, thế nên nghề làm đũa đước có ở cả 3 huyện của Cà Mau là Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Năm Căn, góp phần tạo công ăn việc làm cho đại bộ phận bà con vùng rừng ngập mặn.

Theo thời gian bà con làm đũa đước dần đầu tư, tìm kiếm một số máy móc thay thế các công đoạn thủ công truyền thống. Đước sau khi đốn về, được cắt ra thành từng lóng có độ dài từ 25 cm đến 35 cm ở những phần thân không có mắc. Sau khi cắt, những lóng đước được xẻ thành những thanh vuông, phơi nắng rồi chuốt tròn với một đầu lớn và một đầu nhỏ. Sau đó đánh nhám cho sáng bóng và đóng gói. Sản phẩm đũa đước làm ra bóng láng, ngay thẳng và màu sắc đẹp mắt. Đũa đước Cà Mau là sản phẩm không sử dụng nguyên liệu công nghiệp, không sử dụng hóa chất để bảo quản nên đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Với kiểu dáng rắn rỏi, màu sắc đẹp tự nhiên, những đôi đũa đước đã góp phần tạo thêm mỹ vị cho những món ăn, được người dân khắp nơi tin dùng và lựa chọn. Đây là sản phẩm đặc sản rất thích hợp để mỗi khi du khách đến tham quan, du lịch ở Cà Mau mua về sử dụng hoặc làm quà tặng cho bạn bè, người thân.

Những vùng đất xinh đẹp và diệu kì, những câu chuyện văn hóa đỉnh cao, những món ăn độc đáo đầy dư vị – Một Việt Nam tươi đẹp và quyến rũ sẽ hiện dần qua những thước phim ấn tượng. Hãy đón xem Việt Nam mến yêu được phát sóng lúc 19h50 Thứ Bảy hàng tuần trên kênh THVL1.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục