Sống gần gũi với rừng núi, thiên nhiên bao la, nên người dân Churu có đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú từ văn hóa cồng chiêng, đến trang phục, lễ hội, ẩm thực. Tất cả đã tổng hoạ tạo nên sắc màu văn hoá của đồng bào dân tộc Churu vô cùng sống động.
Với các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có dân tộc Churu, gùi là một vật dụng quen thuộc luôn gắn bó với người dân trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đến đây ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà các mẹ đeo những chiếc gùi trên lưng để đi lên nương lên rẫy. Đối với họ, chiếc gùi không chỉ là vật dụng thân thuộc mà còn chứa đựng những yếu tố văn hóa và là đồ vật gửi gắm tình cảm cũng như sự cảm nhận về thiên nhiên. Bởi vậy mà người dân Churu xem chiếc gùi như vật báu và luôn nâng niu, giữ gìn.
Để làm nên một chiếc gùi, với người Churu không chỉ tốn thời gian mà cần cả sự khéo léo, tỉ mẩn từ đôi bàn tay. Bởi với người Churu mỗi chiếc gùi làm ra không chỉ để sử dụng lâu bền mà cần phải đẹp.Từ cây lồ ô người dân chặt ở rừng đem về, sẽ chặt từng khúc và đem phơi nắng trong 3 ngày. Tiếp đó vuốt ra từng sợi mỏng, sau đó mới tiến hành đương. Khi đan đến phần thân gùi, người làm bắt đầu dùng nan để tạo nên những họa tiết hoa văn xung quanh. Có thể thấy sự kỳ công, và giá trị của chiếc gùi đã nói lên sự tài hoa, khéo léo của đôi bài tay người dân Churu, những người đang nỗ lực bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.