Từ lâu, tục đốt trầm đã đi vào đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt như một nét đẹp truyền thống, gần gũi và thiêng liêng. Trầm hương là linh vật của đất trời, giúp hấp thu linh khí và hơi thở của tự nhiên. Trải qua hàng trăm năm, trầm hương mang trong mình nét hoài cổ và sự linh thiêng. Con cháu khi cầm trên tay nén nhang trầm luôn hướng về ông bà tổ tiên. Đốt hương trầm, theo đó, là sự bày tỏ lòng biết ơn của con cháu với những người đã khuất. Dân gian cũng luôn tâm niệm, khói nhang là con đường kết nối hai cõi âm và dương. Hương trầm, vì thế được xem là yếu tố không thể thiếu để cầu bình an, cầu may mắn.
Tại chùa Kiến An Cung, ngôi chùa gần 100 tuổi này, vẫn giữ được sự cổ kính với lối kiến trúc độc đáo. Vừa bước qua chiếc cổng màu đỏ, Chánh Điện rất rộng, khói hương nghi ngút hiện ra trước mắt. Xung quanh Chánh Điện còn có những cây cột lớn chạm khắc chữ tinh xảo, và những bức liễn được chạm trổ rồng, phượng, rất đẹp. Nổi bật nhất là tấm hoành phi “Kiến An Cung” ngay giữa Chánh Điện. Hai bên vách là những truyện xưa tích cũ mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Điểm nhấn của chùa Kiến An Cung còn là những chiếc vòng nhang cuộn tròn xoắn ốc treo lơ lửng tạo thành một hình ảnh rất độc đáo và ấn tượng. Khách thập phương có thể ghi lại những lời chúc hay tâm nguyện của mình lên giấy, sau đó treo lên cùng những vòng nhang với hy vọng những mong ước của mình sẽ thành hiện thực.
Để cho ra sản phẩm nhang có mùi thơm đặc trưng, người thợ trộn chung hỗn hợp gồm: bột vỏ cây quế, trấu, bột cưa, bột dẻo, cùng nước, xoay mịn theo tỷ lệ nhất định. Chỉ cần nhồi bột cho vào máy, tăm nhang sẽ tự động được ép ra những cây nhang đẹp, đều và mịn. Nhờ những chiếc máy hiện đại thay cho sức người, bà con theo nghề làm nhang đỡ vất vả hơn so với việc làm bằng tay như trước đây. Nhang sau khi se xong đem phơi dưới ánh nắng nếu nắng tốt thì từ 2 đến 3 tiếng là nhang khô và có thể đóng gói.
Nhang trầm ngày ngày len lỏi và ăn sâu vào tiềm thức tâm linh của người Việt. Và các làng nghề làm nhang dần phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người. Bên cạnh giá trị về tâm linh, làng nghề làm nhang trầm còn thể hiện những giá trị văn hóa mà mang lại cơ hội việc làm cho nhiều hộ gia đình.