Hà Nội có tranh hàng trống, bắc Ninh nổi tiếng với tranh đông hồ, huế ấn tượng với tranh làng sình hay tranh trúc chỉ, đến An Giang phải kể tới tranh kiếng. Và khi đến Đà Lạt không thể không nhắc tới nghề tranh thêu tay truyền thống vô cùng đặc sắc.
Vốn là mảnh đất của thiên tươi đẹp, cảnh sắc hữu tình nơi đây đã dung dưỡng những tâm hồn yêu thích khám phá và đam mê nghệ thuật. Bằng sự tài hoa khéo léo con người Đà Lạt đã thổi làn gió mới để tạo ra những bức tranh thêu rực rỡ, sinh động, tô đẹp cho đời.
Để tạo nên một bức tranh thêu tay truyền thống đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Đầu tiên nghệ nhân sẽ phác thảo bản vẽ chì, khi mẫu vẽ xong sẽ chuyển qua giai đoạn săm và chuyển thể hình ảnh từ tranh vẽ lên vải thêu, lựa chọn chỉ và phối màu chỉ. Tiếp đến nghệ nhân sẽ dùng bột màu pha vơi dầu hỏa thoa lên trên giấy theo những lỗ kim li ti vừa tạo để bột màu rơi xuống và in trên nền vải. Từ đó sẽ có mẫu thêu. Sau đó họa sĩ và nghệ nhân sẽ cùng ngồi lại chia sẻ ý tưởng tác phẩm mà họa sĩ muốn đề cập tới , từ những chia sẻ như vậy người nghệ nhân sẽ chọn kỹ thuật thêu và màu chỉ phù hợp. Cuối cùng, nghệ nhân sẽ thực hiện tác phẩm thêu bằng chỉ, kim, vẽ lại một lần nữa. Đây được xem là công đoạn thêu khó nhất quyết định 80% thành công của tác phẩm.
Chỉ sử dụng những cây kim, sợi chỉ màu, những sản phẩm tranh thêu hoàn chỉnh hiện lên vô cùng mềm mại, tươi tắn đầy sống động. Nhìn vào từng sản phẩm ta thấy được nét thăng hoa của tâm hồn mà nghệ nhân ở Đà Lạt đã gửi gắm vào trong từng tác phẩm. Với những giá trị nghệ thuật cao và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, tranh thêu Đà Lạt đã chinh phục được đông đảo người yêu cái đẹp đáp ứng được nhu cầu lớn của thị trường trong và ngoài nước.