Hổ hay cọp là loài vật gợi lên trong chúng ta liên tưởng về sức mạnh, sự oai nghiêm và dũng mãnh. Trong văn hóa của nhiều nước Á Đông, hổ được xem như biểu tượng cho uy quyền, trấn giữ tà ác, bảo vệ con người. Còn dịp nào phù hợp hơn ngày đầu năm Nhâm Dần để chúng ta có thể cùng ngồi xuống trò chuyện, tìm hiểu về hình tượng hổ trong văn hóa của người Việt xưa.
Tiến sĩ văn hóa Hồ Văn Tường chia sẻ: “Hổ là một con vật rất đỗi quen thuộc. Trước hết từ thời khai hoang, những lưu danh người Việt đi khai phá phương Nam phải sợ…Từ đó nảy sinh ra việc thờ Hổ. Hầu như tất cả đình làng ở phương Nam, ở mặt tiền đều có bình phong. Lúc đầu người ta vẽ hình con hổ, sau này người ta khắc nổi lên. Người ta thờ Hổ không chỉ vì sợ Hổ mà còn xem đó là bình phong để che chắn những điều xấu có thể gây đến cho làng.”
Ngoài tên gọi phổ biến, hổ còn được gọi là cọp, hùm, ông ba mươi hay chúa tể sơn lâm. Điều đó chứng tỏ vị trí quan trọng của nó trong đời sống văn hóa của người dân. Văn hóa các nước Á Đông rất chuộng hổ, ngày Tết thích treo tranh hổ, đó không phải chỉ để biểu tượng cá tính mà còn thể hiện sự quyền uy và đáng nể. Tính cách con giáp của hổ là tính cách của một năm mạnh mẽ nhất về sức khỏe, sung mãn về làm ăn kinh tế, mở mang về học vấn và tính vượng…
Những đặc tính của hổ được so sánh với những gì được cho là tốt, mạnh mẽ trong đời sống hàng ngày. Ví dụ như: “Ăn như hổ”, “hùng như hổ”, “hổ dữ không ăn thịt con”, “đừng vuốt râu hùm”… Theo quan niệm dân gian, hổ là hình ảnh uy nghi tượng trưng cho sức mạnh và dân gian cũng đã thần thánh hóa hổ, nhân cách hóa con hổ với những nét tính cách tốt đẹp. Bởi vậy hình tượng hổ đã trở thành phổ biến trong đời sống văn học, nghệ thuật dân gian.
Năm Nhâm Dần bàn chuyện hổ. Mong rằng tất cả chúng ta sẽ có một năm mới 2022 thật nhiều sức khỏe, mạnh mẽ và bình an. Hãy đón xem Việt Nam mến yêu được phát sóng lúc 19h50 Thứ Bảy hàng tuần trên kênh THVL1. Một Việt Nam tươi đẹp và quyến rũ sẽ hiện dần qua những thước phim ấn tượng.