TV Show
Vọng cổ phương Nam: Hành trình từ văn hóa nghệ thuật Nam Bộ đến di sản phi vật thể quốc gia.
Phương Nam không chỉ là vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa miệt vườn mà còn là cái nôi của nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Trong đó, “Vọng cổ” được xem là loại hình văn hóa chủ lực của đờn ca tài tử Nam Bộ - một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vừa qua, nghệ sĩ - đạo diễn Hải Long có trải lòng về những xúc cảm của ông với loại hình nghệ thuật này tại chương trình “Việt Nam mến yêu.”

Tác phẩm cải lương trên sân khấu

Nhắc đến âm nhạc tài tử và cải lương, người ta thường nghĩ ngay đến giọng ngân ngọt ngào của câu “Vọng cổ”. Bất cứ cuộc sinh hoạt đờn ca tài tử nào hay một vở tuồng cải lương nào, cũng không thể thiếu vắng các bài ca “Vọng cổ” huyền thoại. Tuy ra đời muộn hơn so với nhiều làn điệu, bài bản khác, nhưng “Vọng cổ” đã và đang trở thành một loại hình văn hóa “chủ lực”, chiếm vị trí chủ đạo trên sân khấu cải lương nói riêng và các cuộc giao lưu đờn ca tài tử nói chung. Bởi đây là điệu ca đầy cảm xúc, nơi mà người ta có thể chuyển tải được tâm tư, tình cảm của cả tác giả lẫn người thể hiện.

Tác phẩm cải lương trên sân khấu

Bản “Vọng cổ” rất đa dạng về phong cách và phong phú về tư tưởng nội dung. Loại hình này cũng được xem là một bản nhạc tạo cho người ca nhiều sự tự do nhất. Chẳng hạn như đối với bản vọng cổ 6 câu nhịp 32, người ca chỉ cần giữ đúng nhịp ở cuối câu, và hoàn toàn tự do trong việc nhấn nhá, luyến láy, xấp chữ…ở lòng bản. 

Chính vì thế mà các nghệ sĩ có thể thể hiện chất riêng của mình, tự do mang sự sáng tạo vào bản nhạc, giúp người nghe không bị nhàm chán. Tuy nhiên, để giữ được những nhịp cơ bản nhất của “Vọng cổ” cũng không phải đơn giản, nó đòi hỏi người ca phải am hiểu và có phản xạ tốt với các nhịp ấy, nếu không sẽ không còn thể hiện được trọn vẹn tinh thần của “Vọng cổ” nữa. 

Văn hóa đờn ca tài tử Nam Bộ

Khi được hỏi về những yêu cầu chung giúp một người nghệ sĩ có thể ngân một câu “Vọng cổ” ngọt ngào và tình cảm nhất, nghệ sĩ – đạo diễn Hải Long – giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh chia sẻ: “Để có thể chuyển tải được những tâm tư, tình cảm của tác giả đến với người nghe một cách trọn vẹn nhất, người nghệ sĩ tối thiểu cần phải có đủ hơi và điều khiển được cao độ. Tiếp đến là không được lạm dụng việc luyến láy quá nhiều. Vì nếu không đặt đúng chỗ, nó sẽ làm phản tác dụng và làm mất đi giá trị của bài ‘Vọng cổ.’”

Nghệ sĩ – đạo diễn – giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh  Hải Long


Bình luận

Tin cùng chuyên mục