Trong vài năm gần đây, khi thành tích thể thao nước nhà có nhiều khởi sắc, việc đưa thể thao trở thành một hoạt động kinh tế đã bắt đầu được đặt ra. Đây cũng là nội dung được đề cập trong phóng sự sau, mời quý vị cùng theo dõi.
Thể thao được xem là ngành kinh tế lớn với cỗ máy đồ sộ, tạo công ăn việc làm và đóng góp đáng kể cho ngân sách của nhiều quốc gia. Trong đó, Mỹ là quốc gia có nguồn thu từ thể thao lớn nhất thế giới, chiếm tới 3,2% GDP,các giải thi đấu Bóng chày, Bóng rổ hay Khúc côn cầu mang về doanh thu khoảng 23 tỉ USD mỗi năm. Hay Trung Quốc – quốc gia sản xuất hàng hóa thể thao lớn nhất thế giới, tổng thu chiếm tới 2,3% GDP.
Còn tại Việt Nam, dù thành tích thể thao những năm qua có khởi sắc, nhưng vẫn bị đánh giá nằm trong vùng chậm phát triển trong nền công nghiệp thể thao thế giới. Các hoạt động thể thao vẫn bị cho là mang tính giải trí, phi lợi nhuận và cần được nhà nước bao cấp.
Ông Đặng Hà Việt – Tổng cục trưởng Tổng Cục Thể dục thể thao
“Hiện tại chỉ có một số rất ít các giải đấu thể thao ở nước ta hiện nay có được bản quyền truyền hình, còn hầu hết đều không thu được tiền bản quyền truyền hình.”
Muốn thay đổi và phát triển một ngành kinh tế, phải bắt đầu từ đổi mới tư duy và thể chế, chính sách của Nhà nước. Trong Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam được tổ chức mới đây, các chuyên gia đều cho rằng: Với lợi thế là quốc gia đông dân, kinh tế đang phát triển và người dân đều yêu thích thể thao, nếu thay đổi tư duy, có chính sách phù hợp, thể thao Việt Nam có thể đem về lợi nhuận hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Ông Lim Song – Chủ tịch Công ty VSP, Nhà đầu tư kinh doanh thể thao tại Việt Nam
“Doanh thu của thể thao Việt Nam hiện khoảng 300 triệu đô la Mỹ mỗi năm – con số rất nhỏ so với xu hướng phát triển của thể thao thế giới ngày nay. Nhưng nếu làm tốt, tôi cho rằng thể thao Việt Nam có thể mang về lợi nhuận 10 tỉ USD mỗi năm.”
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có đến 40.000 giải đấu thể thao từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư. Nhưng chỉ rất ít trong số này vận hành theo mô hình “mang về lợi nhuận”. Điều này càng cho thấy, dư địa để phát triển kinh tế thể thao ở Việt Nam vẫn còn rất lớn, nhưng chưa được khai phá./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.