Thương Ba Thành bị giam cầm khổ sở, Hai Nhẫn thay mặt em trai đến nhà xin lỗi và nhờ Hai Thức làm đơn bãi nại để bảo lãnh em trai ra khỏi Sở Cẩm. Nhưng chịu ơn kẻ muốn chiếm vợ mình là một thứ cảm xúc không hề dễ chịu đối với Ba Thành.
Lời khích tướng của đám bạn nhậu vào lúc này như giọt nước làm tràn ly khiến Ba Thành nhanh chóng quên đi lời hứa bỏ rượu với vợ và anh Hai trước đó. Trong cơn say, Ba Thành tiếp tục biến thành một con người khác, anh không tiếc lời xúc phạm Hải và thậm chí ra tay đánh đập vợ trước mặt anh Hai.
Hải đớn đau, chịu đựng nhưng khi nỗi uất ức, tủi nhục lên đến đỉnh điểm, Hải nghĩ chỉ có cái chết mới có thể giúp mình chứng minh sự trong sạch. Vào một đêm khuya vắng vẻ, Hải từ biệt con trong nước mắt, lẳng lặng ra bờ sông gieo mình tự tử nhưng may mắn thay, Hai Nhẫn đã nhận ra những biểu hiện bất thường của em dâu và ra tay ứng cứu kịp thời.
Nếu không nhờ anh Hai cứu mạng có lẽ lúc này Hải đã không còn tồn tại trên đời và Chẩm bé nhỏ trở thành đứa trẻ mồ côi tội nghiệp. Chính vì ý nghĩ đó khiến Hải càng thêm quý trọng, mang ơn Hai Nhẫn nhiều hơn như đối với một người sinh ra cô lần thứ hai.
Tiếc rằng trong đôi mắt ghen hờn của Ba Thành lúc đó, anh chỉ thấy vợ mình là một người đàn bà lăng loàn, trắc nết, là nguồn cơn của những rắc rối, thị phi. Không muốn mình trở thành nguyên nhân khiến vợ chồng em trai thường xuyên lục đục, tranh cãi, Hai Nhẫn quyết định dọn ra chòi lá ở.
Áy náy khi nhìn thấy anh Hai phải sống cực khổ, bất tiện, Hải sinh lòng bất mãn chồng. Mỗi khi có thời gian, cô thường lui tới thăm hỏi, chăm sóc Hai Nhẫn để phần nào chuộc lỗi lầm mà chồng mình đã gây ra. Ba Thành lấy cớ đó tiếp tục đay nghiến, dằn vặt Hải…