TV Show
Có một Trung thu rất xưa giữa lòng Hà Nội
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Rằm tháng Tám - Tết thiếu nhi cổ truyền của Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên khi nhắc đến Trung Thu nhiều người sẽ nghĩ đến Hà Nội với mặt nạ, bánh nướng - bánh dẻo và những khu phố ngập tràn lồng đèn trên Hàng Mã. Vì vậy, hành trình của Việt Nam mến yêu vào thứ 7, ngày 22.09, ca sĩ Tim và Hoa khôi Sinh viên Hoàng Phương Thảo đã chọn Hà Nội là điểm đến của mình khi đi tìm hương vị và sắc màu của trung thu cổ truyền.

Mặt nạ giấy bồi – sắc màu trung thu của tuổi thơ

36 phố phường của phố cổ Hà Nội hội tụ nhiều nghề truyền thống. Trong đó có nhiều nghề độc đáo được ra đời có khi chỉ vì một dịp trong năm. Nghề làm mặt nạ giấy bồi là một nghề như vậy.

Len lỏi vào những phố nhỏ, ngõ nhỏ, Tim và Phương Thảo đã tìm đến nhà của các gia đình làm mặt nạ giấy bồi và làm bánh trung thu.

Tim và Phương Thảo được bà Lan hướng dẫn tô màu cho mặt nạ.

Những khuôn mặt ông linh, ông địa, những chú khỉ, chó, mèo được vẽ cách điệu là món đồ chơi từng được yêu thích dịp Tết trung thu của nhiều trẻ nhỏ.

Ở Hà Nội giờ chỉ còn vợ chồng bà Đặng Hương Lan là những nghệ nhân cuối cùng còn giữ bí kíp làm mặt nạ giấy bồi.

Một chiếc mặt nạ hoàn chỉnh trải qua nhiều công đoạn, từ chọn bột sắn nấu hồ đến chọn giấy báo cũ. Giấy báo xé nhỏ sẽ được xếp chồng 5-6 lớp vào khuôn đúc để tạo hình. Khi hình phôi cứng, sắc nét mới đem phơi khô rồi mới vẽ, sơn trang trí cho từng mẫu.

Tác phẩm mặt nạ giấy bồi đầu tiên do Tim và Phương Thảo làm.

Với 30 chiếc khuôn đúc bằng xi-măng, cùng giấy vở qua sử dụng, giấy bìa và bột sắn, màu vẽ, gần 50 năm vợ chồng bà Lan đã cho ra đời những hình hài nhân vật đẹp mắt, mang thần thái riêng biệt. Nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ mà giá thành lại rẻ chỉ 30.000 đồng một chiếc mặt nạ.

Lần đầu tiên, hai MC của chương trình được tận tay xé từng miếng giấy tỉ mỉ đắp lên trên khuôn mặt nạ, phết lớp bột và phơi mặt nạ. Bên cạnh đó, hai MC được lắng nghe trăn trở của hai vợ chồng việc giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi khi chỉ còn gia đình bà còn làm nghề cũng là nỗi lo lắng và tiếc nuối về tương lai một nghề độc đáo nơi Kẻ Chợ.

Bánh trung thu – hương vị riêng của Hà Nội

Có người từng nói, nếu ai sành ăn thì mỗi độ Trung Thu về phải đến phố cổ và tìm một cửa hàng bánh trung thu gia truyền mới đúng vị của ngày Rằm tháng Tám.

Hà Nội có nhiều gia đình làm bánh trung thu gia truyền nhiều đời. Có hơn 10 nguyên liệu trong một chiếc bánh nướng bánh dẻo như: hạt sen, lạp sườn, bột, lá chanh… Tùy vào lựa chọn nguyên liệu, ít nhiều khác nhau mà bánh lại có phong vị riêng của gia đình làm nó. Với người Hà Nội, đã quen ăn bánh trung thu của gia đình nào thì không chỉ gia truyền trong làm bánh, người mua cũng gia truyền chung thủy mua bánh của tiệm bánh đó.

Phương Thảo đã có một ngày trải nghiệm thú vị khi được thưởng thức bánh trung thu gia truyền và học bánh, cách sử dụng khuôn gỗ.

Tim, Phương Thảo cùng nghệ nhân Đặng Hương Lan.

 

Bánh trung thu chỉ được làm vào dịp trung thu đến ngày 16.08 Âm lịch. Dù hiện nay có nhiều hãng bánh trung thu lớn nhưng vẫn còn rất nhiều người tìm đến tiệm bánh gia truyền. Vì lẽ đó mà mẻ bánh nào ra lò cũng đều được bán hết ngay.

Chuyến hành trình của Việt Nam mến yêu đã cho ca sĩ Tim và Phương Thảo những trải nghiệm quý báu. Không chỉ tìm hiểu những nghề xưa của Hà Nội mà thêm trân trọng những tấm lòng của người gìn giữ nghề đó giữa nhịp sống hiện đại.

Chương trình Việt Nam mến yêu sẽ tiếp tục gửi tới quý khán giả những câu chuyện thú vị và ý nghĩa về con người và vẻ đẹp của Việt Nam trên khắp giải đất hình chữ S. Chương trình được phát vào lúc 19h50’ thứ 7 hàng tuần trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1 với sự đồng hành của nhãn hàng An Trĩ Vương – Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia.

Topsao


Từ khóa

Bình luận

Tin cùng chuyên mục