TV Show
NGHỆ THUẬT MÚA RÔ BĂM
Trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân Trà Vinh, Rô băm là loại hình nghệ thuật sân khấu được bà con nơi yêu thích và trân trọng. Có thể liên tưởng ý nghĩa của nghệ thuật Rô băm với nghệ thuật hát tuồng của người Kinh.

Rô băm không chỉ phục vụ cho việc vui chơi giải trí mà còn mang tính triết lí và giáo dục sâu sắc trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách, tâm hồn và lối ứng xử văn hóa của cộng đồng người Khmer. Chính vì ý nghĩa tốt đẹp đó, năm 2019 nghệ thuật múa Rô băm được công nhận là một là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. 

Rô băm hay còn gọi là Rom Rô băm là loại kịch múa cổ điển trên sân khấu cung đình của người Khmer xưa, ra đời cách đây hằng trăm năm có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con Khmer Nam Bộ. Đây là loại hình nghệ thuật tổng hợp, bao gồm hát, múa, kịch câm kết hợp với âm nhạc vô cùng ấn tượng.

Tại Trà Vinh nghệ nhân ưu tứ Thạch Sang được xem là cây đại thụ trong nghệ thuật múa Rô băm. Với tình yêu dân tộc và lòng say mê nghệ thuật, hơn 40 năm qua, nghệ nhân Thạch Sang không ngừng truyền lửu đam mê đến thế hệ trẻ như một cách lưu truyền nghệ thuật múa Rô băm không bị mai một. 

Nghệ nhân Ưu tú Thạch Sang

Trong nghệ thuật múa Rô băm, động tác múa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tư thế của đôi bàn tay, động tác di chuyển của đôi chân phối hợp với nhau nhịp nhàng và uyển chuyển. Bên cạnh các điệu múa là nhiều loại mặt nạ, y trang trên sân khấu Rô băm cũng có quy ước riêng. Bộ y trang thường có yếm cổ, khăn nịt ngực, yếm bụng, bao buộc chân tay với màu sắc sặc sỡ. Trong các bài múa thường sử dụng các nhạc cụ như trống đánh bằng dùi, chiêng và kèn. Trống dùng thúc giục những trận chiến đấu với chằng. Kèn đệm vào những cảnh ai oán để tăng thêm phần sinh động cho bài múa. 

Nghệ thuật múa Rô băm có vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần cũng như có sự kết nối đặc biệt trong đời sống sinh hoạt văn hóa, thẩm mỹ của bà con Khmer Nam Bộ. Ngày nay, nghệ thuật sân khấu cổ này vẫn được bà con Khmer giữ gìn và phát huy như một cách lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống không mai một theo thời gian. 


Bình luận

Tin cùng chuyên mục