TV Show
Nghệ thuật thư pháp chữ Việt
Thư pháp từ lâu đã trở thành một môn nghệ thuật để thể hiện tâm tư tình cảm của con người, chứa đựng giá trị truyền thống dân tộc, mang tính chất giáo dục về đạo đức, nhân sinh quan trong cuộc sống.

Một tác phẩm thư pháp đẹp, có chiều sâu phải chứa đựng thông điệp của người viết và tính mỹ thuật của chữ viết qua: nét chữ, cách thức trình bày, hình dáng câu chữ, màu sắc. 

Những nét bút múa lượn, tinh xảo trau chuốt, thể hiện tính cách và khí chất của một con người. Có câu “học tập thư pháp là khả dĩ tu thân, dưỡng tính, đào dã tâm tình” nghĩa là để sửa lòng mình, nuôi dưỡng những tính cách tốt đẹp của mình và đặc biệt truyền tải những tâm tư, tình cảm đến với người nhận. 

Để có được một tác phẩm thư pháp đẹp thì phải kể đến những dụng cụ hỗ trợ. Quan trọng nhất là “văn phòng tứ bảo” được xem là người bạn tri âm tri kỷ gắn liền với người viết thư pháp. Văn phòng tứ bảo bao gồm bút lông, mực, nghiên mực và giấy viết. Đây là những đồ dùng vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong thư phòng của người viết thư pháp. Trong đó bút lông là dụng cụ quan trọng nhất, được ví như người bạn tri kỷ của người viết thư pháp. Ngoài các dụng cụ chính, các vật dụng hỗ trợ cho người viết cũng rất đa dạng như: Giá treo bút, gác bút, mực nước, mực màu,…

Một số các vật dụng hỗ trợ cho người viết

Nghệ thuật thư pháp, nơi những nghiên mực bút lông tạo nên những khoảng lắng đọng trong tâm hồn, giúp chúng ta bình yên với hoài niệm và truyền thống. Mặc dù “thời vàng son” của thư pháp đã qua, nhưng những con người đam mê thư pháp vẫn luôn học tập và trau dồi con chữ để làm đẹp hơn loại hình nghệ thuật truyền thống của người Việt. 


Bình luận

Tin cùng chuyên mục