Đến với An Giang, người ta dễ dàng thấy thấp thoáng đâu đó, những ngôi chùa mang lối kiến trúc Khmer đặc trưng với màu sắc rực rỡ. Đối với đồng bào Khmer tại An Giang, chùa không đơn thuần là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, mà còn là biểu tượng trong văn hóa, vật chất, lẫn tinh thần.
Tồn tại qua hàng trăm năm, làng gốm An Thuận tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang vẫn nức tiếng gần xa với sản phẩm gốm gia dụng được làm thủ công theo kỹ thuật làm gốm của người Khmer cổ. Những chiếc cà ràng hay cà om sinh ra từ làng, mang trong mình hồn đất vùng Bảy Núi huyền thoại. Trở thành dụng cụ quen thuộc trong căn bếp nhà của người dân miền Tây Nam Bộ.
Hơn 40 năm gắn bó với công việc làm gốm. Như bao phụ nữ Khmer khác của làng An Thuận, bàn tay bà Neáng Sa Na vẫn ngày đêm nhào đất, nặn ra từng cái bếp, cái nồi. Công việc của bà không chỉ là câu chuyện mưu sinh mà còn là câu chuyện về cái tâm quyết gìn giữ và bảo tồn nghề làm gốm truyền thống mà Tổ tiên đã để lại.
Đất làm gốm ở làng An Thuận là loại đất sét có màu vàng xám, nhuyễn, không lẫn tạp chất được lấy từ chân núi Cấm. Loại đất này càng nhào nặn lại càng trở nên dẻo, mịn, giúp gốm làm ra được bền chắc. Người Khmer An Thuận mang đất về, nhồi, nặn, tạo hình, cẩn hoa văn rồi mang gốm đi phơi dưới nắng gắt. Khi da gốm chuyển sang màu trắng xám là đã sẵn sàng để đem nung. Vẫn giữ kỹ thuật nung gốm bằng rơm, điều chỉnh nhiệt độ phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm của con người. Mỗi sản phẩm gốm khi thành hình mang màu sắc riêng, mộc mạc, bình dị.
Điểm độc đáo trong kỹ thuật làm gốm của người Khmer tại An Thuận chính là không dùng bàn xoay. Nghệ nhân làm gốm sẽ đi vòng quanh trụ gỗ để đắp, bồi, cẩn hoa văn bằng những dụng cụ thô sơ như dùi đá cùng các loại thanh gỗ với về mặt phẳng hoặc chạm khắc họa tiết.
Cùng bao tâm huyết, người dân tại xã châu lăng hàng ngày vẫn cần mẫn tạo nên những sản phẩm từ gốm bền chắc với nhiều mẫu mã ấn tượng. Đối với họ nghề làm gốm vừa bảo lưu được sự tinh xảo trong kỹ thuật chế tác truyền thống vừa phục vụ cho sinh hoạt của cộng đồng dân tộc, giúp đưa nghề làm gốm tại xã châu lăng, huyện Tri Tôn tỉnh An Giang đi khắp muôn nơi.