Chương trình “Việt Nam mến yêu” đã có dịp dừng chân tại mảnh đất dung dị, đầy nắng gió – Ninh Thuận để lắng nghe “Âm vang giữa miền cát trắng”. Bên cạnh những công trình kiến thúc tháp độc đáo, Ninh Thuận còn biết đến là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của đồng bào Chăm, một trong số đó chính là bộ ba nhạc cụ: trống Ghi năng, trống Paranung và kèn Saranai.
Ninh Thuận – điểm đến tiếp theo của hành trình Việt Nam mến yêu.
Nơi đầu tiên mà 2 MC của chương trình Việt Nam mến yêu – ca sĩ Tim cùng người mẫu Quỳnh Châu tìm đến chính là nhà của nghệ nhân Sầm Tánh, một trong những người giữ lửa trong việc bảo tồn và gìn giữ nhạc cụ Chăm qua bao đời nay. Người nghệ nhân chân chất nhiệt tình hướng dẫn cách chế tác và ý nghĩa của từng chi tiết trên chiếc trống Paranung. Thường được nghe đến loại trống này qua giai điệu của các bài hát nên hai nghệ sĩ trẻ vô cùng hào hứng khi lần đầu được tận mắt chứng kiến cách chế tạo. Để làm một chiếc trống, người nghệ nhân phải mất rất nhiều tâm sức, từ việc lên rừng tìm cây làm trống, đó là những cây đã khô lõi, vừa dễ đục đẻo, vừa có âm vang lớn. Khi đẽo xong rồi phải đổ cát vào phơi thêm nhiều ngày thì trống vỗ mới ưng bụng. Ngoài ra, chất liệu da được lấy từ các loài động vật như trâu, bò, nai…
Hai nghệ sĩ không khỏi bất ngờ trước những chia sẻ về ý nghĩa của loại nhạc cụ độc đáo từ nghệ nhân Sầm Tánh.
Chia tay với nghệ nhân Sầm Tánh, bộ đôi hỏi thăm đường đến nhà của người nghệ nhân tiếp theo, thầy Lai Lầu. Ở cái nơi “tháp nắng”, người dân gọi nghệ nhân Lai Lầu bằng “thầy” một cách trân trọng bởi chính ông đã dành cả một đời để giữ và truyền lửa đam mê với nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm. Tại đây, thầy Lai Lầu đã giải thích hết ý nghĩa của ba loại nhạc cụ độc đáo khiến người mẫu Quỳnh Châu ngạc nhiên và thích thú. Cụ thể, kèn Saranai tượng trưng cho cái đầu và bảy lỗ tương ứng với hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và miệng; trống Paranung tượng trưng cho thân người, 12 cái chốt tang trống tượng trưng cho 12 con giáp; đôi trống Ghi-năng tượng trưng cho hai chân, 2 cái dùi trống ghi năng tượng trưng cho hai cánh tay, tang của trống có 16 dây ở hai đầu tương ứng cho 32 cái răng. Ông cũng nhiệt tình hướng dẫn cách chơi trống và trêu đùa ca sĩ Tim khiến anh chàng phải đỏ mặt trong sự khoái chí của người bạn dẫn.
Bắt tay vào làm trống Ghi-năng cùng thầy Lai Lầu
Và tự tin khoe chiến tích, trong suốt thời gian làm trống, Quỳnh Châu khiến Tim vô cùng ngạc nhiên khi liên tục thể hiện giọng hát ngọt ngào.
Điểm đến cuối cùng mà hai nghệ sĩ đặt chân đến chính là ngôi “Tháp nắng” nổi tiếng tại đây. Cả hai đã chứng kiến những điệu múa và thưởng thức âm hưởng réo rắt của kèn Saranai, trong nhịp trống Paranung và ghi năng rộn ràng. Mỗi nhạc cụ là biểu tượng cho trời, đất và con người, tạo nên linh hồn cho các lễ hội Chăm. Chính vì thế, khi biểu diễn 3 nhạc cụ này không được tách rời mà luôn hòa quyện vào nhau, trong đó kèn Saranai là nhạc cụ chủ đạo.
Những giai điệu bắt tai bắt nguồn từ văn hóa của đồng bào Chăm âm vàng khắp đất trời.
Chia tay Ninh Thuận, chia tay tiếng trống, tiếng kèn đặc trưng của đồng bào Chăm, chương trình Việt Nam mến yêu với sự đồng hành của nhãn hàng An Trĩ Vương một lần nữa lan tỏa tình yêu và sự tự hào về những giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh đẹp và con người của dải đất hình chữ S. Chương trình Việt Nam mến yêu được phát sóng vào 19h50 thứ bảy hàng tuần trên kênh THVL1.