“Má ơi đừng đánh con đau
Để con hát bội làm đào má coi…”
Câu ca dao như đưa ta lội ngược dòng, trở về thời hoàng kim của nghệ thuật hát bội. Thuở ấy, không ít gánh hát bội hay ông bầu đã đi vào huyền thoại của một thời mà các đào, các kép được xem là ông hoàng, bà chúa trên sân khấu biểu diễn.
Theo nhiều tài liệu lịch sử còn ghi chép lại, hát bội được cho là ra đời trước cả cải lương. Thu hút đông đảo sự yêu mến của giới mộ điệu. Hình thức biểu diễn và thể điệu của hát bội xuất phát từ nhã nhạc cung đình Huế. Vì còn mang cái hồn cốt sang trọng của nhã nhạc cung đình, mà khi về phương Nam. Các gánh hát bội thường được tổ chức, biểu diễn tại các đình hoặc miếu trong những dịp lễ hội đòi hỏi tính trang nghiêm.
Chuyển mình để phù hợp với văn hóa sinh hoạt nơi miền đất mới, hát bội Nam Bộ dần hình thành những đặc trưng riêng. Rũ bỏ tính kiểu cách, hay lễ nghi rườm rà chốn cung đình. Mỗi dịp lễ cúng có gánh hát bội về biểu diễn, các gia đình lại nô nức đi xem như trẩy hội. Một tuồng hát bội thường rất dài, phải chia thành nhiều đêm hát mới hết chuyện. Vì thế có câu:
Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình
Dầu chồng có đánh thì mình cũng đi…
Phục trang và hóa trang trong hát bội mang một nét độc đáo riêng biệt. Tuy cầu kỳ, đòi hỏi các đào, kép phải tỉ mỉ trong khâu hóa trang và mặc phục trang nhưng lại giúp cho khán giả dễ dàng đoán biết được tính cách, tầng lớp xã hội của nhân vật.
Bội thêm lớp phấn son hay cờ phướn, nón mão. Khoác lên mình cái hồn của một Lý Thường Kiệt vì nước quên thân. Hay một Lý Đạo Thành trung hiếu vẹn toàn. Dưới ánh đèn sân khấu, nghệ sĩ hát bội lại mang đến cho người xem những niềm vui hay bài học về nhân nghĩa đạo lý ở đời.
Trong dân gian, nghệ thuật hát bội còn được gọi là hát bộ, tức chỉ các diễn viên hát phải kèm các cử chỉ, điệu bộ để lột tả vai diễn. Sao cho với bối cảnh sân khấu và đạo cụ đơn giản, người coi có thể hình dung ra tuồng tích hoặc trích đoạn lịch sử mà vở diễn muốn truyền tải. Điều này đòi hỏi người người diễn viên phải có kỹ thuật diễn xuất thành thạo để mô tả các hành động và trạng thái tâm lý nhân vật.
Dàn nhạc là yếu tố không thể thiếu của các vở hát bội. Giữ vai trò chủ chốt là bộ trống. Tiếng trống cơm được xem là thứ kết nối diễn biến tâm lý tình cảm của nhân vật, mang diễn viên đến gần với khán giả.
Dù đã bước qua thời kỳ hưng thịnh của nghề, nhiều nghệ sĩ trẻ ngày nay vẫn đang tiếp nối nhiệt huyết của thế hệ tiền nhân. Cháy hết mình với những vai diễn trên sân khấu, quyết tâm gìn giữ viên ngọc qúy trong kho tàng văn hóa Việt Nam – nghệ thuật hát bội.