TV Show
NSND Thanh Tuấn tái hiện những vai diễn ấn tượng tại sân khấu Ngôi sao đương thời
NSND Thanh Tuấn mong đem lời ca tiếng hát phục vụ cho đời, ông tâm sự: “Người nghệ sĩ không ai nghĩ tới chuyện đạt danh hiệu, nhưng mà khi được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân thì đó là một điều hạnh phúc to lớn và không còn gì vui sướng hơn.”

Mở đầu chương trình, khi được MC Thanh Bạch hỏi về danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, NSND Thanh Tuấn chia sẻ: cuộc đời làm nghề, sự đóng góp và cống hiến cho khán thính giả là bổn phận và trách nhiệm. Nam nghệ sĩ mong đem lời ca tiếng hát phục vụ cho đời: “Người nghệ sĩ không ai nghĩ tới chuyện đạt danh hiệu, nhưng mà khi được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân thì đó là một điều hạnh phúc to lớn và không còn gì vui sướng hơn.”    

NSND Thanh Tuấn yêu thích ca hát từ năm 8 tuổi, tự tìm tòi nghe các tác phẩm của Cậu Mười Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thành Được… Nghe nhiều tự nhiên “yêu hồi nào không hay”. Năm 1963, NSND Thanh Tuấn khi đó mới 13 tuổi đã vào Sài Gòn mưu sinh bằng công việc phụ bán thuốc bắc, gần đó có một rạp hát cải lương và nam nghệ sĩ thường chờ đến khi rạp “xả giàn” để vào xem. Bởi vì mê hát quá nên Thanh Tuấn tìm hỏi và được những người quen ở rạp hát chỉ qua học thầy Út Trọn. “Thanh Tuấn học chỉ có 3 tháng thôi, thì ba Nam, sáu Bắc, tất cả bài Oán đều rành rẽ…” – nam nghệ sĩ kể lại. 

Lúc này NSND Thanh Tuấn đã đổi sang nghề đan ghế mây, sau khi học xong lớp của thầy Út Trọn thì nam danh ca tiếp tục tìm học thầy Bảy Trạch (cùng thầy với NSND Minh Vương) để hoàn thiện kỹ năng sân khấu và được thầy cho theo đoàn lưu diễn miền Trung. Kể từ đây nam nghệ sĩ đã đứng trên nhiều sân khấu lớn nhỏ và được khán giả biết đến. Đến thập niên 70, nghệ sĩ đổi nghệ danh từ Hoài Trúc Linh sang Thanh Tuấn và thu âm rất nhiều đĩa hát. Sau năm 1975, cái tên Thanh Tuấn lại một lần nữa rực sáng với vở Tìm lại cuộc đời.

Phần tiếp theo, NSND Thanh Tuấn được chơi một mini game để nhắc lại tên của những tác phẩm nổi tiếng mà mình từng đảm nhận. Khi đến vở Đường gươm Nguyên Bá, NSND Thanh Tuấn nhắc lại vở này mình đóng cùng NSƯT Thanh Kim Huệ mà không biết lúc này nữ nghệ sĩ đã xuất hiện trên sân khấu Ngôi sao đương thời và đứng phía sau lưng mình.  

NSND Thanh Tuấn cho biết mình và NSƯT Thanh Kim Huệ lần đầu gặp nhau ở đoàn Kim Chung, cả hai đã cùng có những vở diễn cổ trang vô cùng ăn ý và đặc sắc được rất nhiều khán giả yêu mến như: Nụ tầm xuân, Tiếng sông Cửu Long, Những ngày xưa thân ái, Mùa sầu riêng, Tấm ảnh ngày xưa… Đặc biệt là vở Khúc ly hương được chính tay chồng của NSƯT Thanh Kim Huệ là NSƯT Thanh Điền chấp bút. Nói về sự kết hợp ăn ý, NSƯT Thanh Kim Huệ cho biết mình hát theo những nốt luyến láy đặc biệt của NSND Thanh Tuấn, từ đó hai giọng ca trở nên hòa quyện và thăng hoa.

Phần cuối của chương trình, NSND Thanh Tuấn gửi tặng số tiền quỹ 5 triệu đồng từ Ngôi sao đương thời cho một fan hâm mộ có hoàn cảnh đặc biệt (khiếm thị) của mình, đó là anh Trần Ngọc Hải đến từ Long An.

Khép lại tập 17, tuần sau mời quý khán giả tiếp tục đón xem tập 18 chương trình Ngôi sao đương thời – với câu chuyện sẽ được kể bởi NSƯT Phượng Hằng, phát sóng vào lúc 21 giờ thứ Ba ngày 17/11/2020 trên kênh THVL1.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục