Chương trình Phút Thư Giãn là những tình huống vui nhộn, hài hước mang đến cho khán giả những giây phút thoái mái.
Tiểu Phẩm: Căn Bệnh Kỳ Lạ.
Khi yêu, chẳng phân biệt tuổi tác, chúng ta đều như trẻ lại và có những hành động….hổng giống ai. Và ông Sáu- NS Bảo Trí thủ vai, trong tiểu phẩm Căn Bệnh Kỳ Lạ, khi yêu cũng hành động hài hước không ai ngờ.
Vốn ông Sáu cảm mến bà Tám hàng xóm- NS Phi Phụng. Một ngày, ông Sáu bị bệnh, bà Tám qua chăm sóc, nấu cháo cho ăn, dịu dàng bón cho từng thìa cháo khiến ông cảm động, muốn bệnh hoài luôn.
Khi bệnh hết rồi, chẳng còn thường xuyên được “người thương” nấu cháo, rồi quan tâm chăm sóc nên ông Sáu bèn giả bệnh. Ông Sáu giả bệnh khéo đến nỗi chỉ cần bà Tám qua thăm nom là ông khỏe.
Sự kỳ lạ đó làm bà Tám lo lắng, tính gọi cho cháu ông Sáu là chị Hai – NS Gia Linh, về đưa ông đi bệnh viện khám, nhưng ông Sáu một mực từ chối. Ông Sáu viện nhiều lý do, để giữ riêng cái bệnh tình kỳ lạ này- Anh chỉ giấu cho riêng em biết!
Một hôm khi bà Tám đã về, ông Sáu trở lại khỏe mạnh như thường thì thình lình chị Hai về, lo lắng khi nghe tin chú bị bệnh khiến ông Sáu trở tay không kịp.
Chị Hai kiên quyết đưa ông đi bệnh viện khiến ông Sáu tá hỏa. ông Sáu đành khai lý do mắc bệnh của mình. Chị Hai chẩn đoán ra căn bệnh thực sự của ông Sáu là bệnh tương tư, đứng ra tác hợp cho hai ông bà.
Tiểu phẩm: Chiến thuật bán hàng
Anh Hai Tèo- Hữu Tín, đang kẹt tiền nên muốn bán cây kiểng nhưng đều bị nhiều người mua trả giá bèo. Vì vậy anh Hai Tèo nghĩ ra một kế, bày ra một “chim mồi” để hi vọng bán được cây giá cao.
Anh Hai Tèo bèn kêu em họ là anh Năm Tí- Thanh Tân, qua “trợ diễn” với hứa hẹn sẽ thưởng đẹp cho thằng em nếu trúng quả. Anh Năm Tí đồng ý liền.
Hai người bàn nhau, nếu có khách tới mua, anh Năm Tí sẽ giả dạng một người mua cây rồi giở trò đấu giá khiến khách hàng kia rơi vào tròng.
Khi được giá ưng ý, anh Năm Tí sẽ rút êm. Cả hai hí hửng với kế hoạch đó.
Ông Tư Cây (Sơn Hải) thấy được giá trị của cây kiểng anh Hai Tèo muốn bán, thực bụng muốn mua đúng giá, chứ không ép giá như những người khác.
Thấy vậy, anh Hai Tèo ra ám hiệu cho anh Năm Tí tố giá cao.
Anh Năm Tí được nước, tố giá cao ngất trời, tưởng ông Tư Cây sẽ vì thích cây kiểng mà đu theo. Ai dè, ông Tư Cây nhường cho Năm Tí mua khiến Hai Tèo và Năm Tí chưng hửng.
Anh Hai Tèo vội tìm lý do bán cho ông Tư Cây nhưng bị ông vạch trần thủ đoạn. Anh Hai Tèo và anh Năm Tí xin lỗi ông Tư Cây. Tiểu phẩm hài hước đem đến cho khán giả thông điệp luôn lấy chữ tín, sự chính trực làm đầu.
Tiểu phẩm: Lý do không ngờ.
Câu chuyện hài hước về ông Ba Đất đem đến cho khán giả tiếng cười sáng khoái nhưng chứa đựng những điều đáng suy ngẫm.
Ông Ba Đất- NS Sơn Hải vốn ở quê, lên chơi nhà ông Sui gia, ông Tư Sang- NS Bảo Trí ở trên thành phố. Sợ ông Sui gia coi thường mình quê mùa, nên ông Ba Đất luôn tỏ ra sành điệu, kiến thức mênh mông một cách hài hước.
Ông Ba Đất được ông Tư Sang dẫn đi ăn, đi chơi rồi đi uống café. Ông Ba Đất tỏ ra sành sỏi các món ăn, đưa ra những phân tích đầy “uyên bác” khiến ông Tư Sang choáng váng.
Riêng một món nước chấm trong nhà hàng mà ông Ba Đất phân tích bao nhiêu huyền cơ trong đó, nào là bao hàm đủ tinh túy ẩm thực, âm dương ngũ hành, văn hóa á đông…
Ông Ba Đất thao thao bất tuyệt kiến thức của mình về ẩm thực, xe cộ, café khiến ông Tư Sang ngưỡng mộ, có cái nhìn khác về ông sui của mình: Vẻ ngoài vậy mà không phải vậy, uyên thâm khó lường.
Ông Tư Sang có việc gấp cần xử lý, không nỡ bỏ ông Sui ở một mình nhưng ông Ba Đất vỗ ngực tự tin, kêu ông Tư Sang cứ đi giải quyết công việc. Ông Tư Sang bỏ đi, không quên để lại chiếc xe máy cho ông Sui xài cho tiện.
Ai dè, ông Ba Đất chém gió khí thế, rành đủ thứ về xe cộ, nhưng lại không tài nào khởi động được chiếc xe tay ga đời mới. Bí thế, lại sợ quê với mọi người, ông Ba Đất đành hì hục đẩy bộ xe về. Người đi đường muốn giúp, ông chữa ngượng rằng xe hết xăng.
Ông Tư Sang đợi mãi không thấy ông Ba Đất về thì lo lắng định đi tìm thì Ông Ba Đất toát mồ hôi đẩy xe về tới nơi. Ông Ba Đất chống ngượng bằng cách nói xe hết xăng nhưng ông Tư Sang khởi động xe nổ ngon lành.
Ông Ba Đất đành thú thực lý do ông sợ quê mà giấu cái mình không biết.
Tiểu Phẩm: Anh Chàng Kiêu Ngạo
Khi được mọi người tin yêu, quý mến, thay vì càng trở nên khiêm tốn, chừng mực thì có người lại trở nên hống hách kiêu ngạo. Và tiểu phẩm Anh Chàng Kiêu Ngạo là bài học, tiếng cười châm biếm cho lối hành xử đó. Anh Tèo- Lê Minh Thành, đầu tư máy cắt lúa hiện đại, phục vụ đắc lực cho bà con nông dân thu hoạch lúa. Ban đầu anh làm việc rất nhiệt tình, mau lẹ khiến bà con hài lòng, quý mến ủng hộ.
Ông Chín- NS Bảo Trí đang vui vẻ vừa đi vừa hát thì đụng bà Tám- NS Phi Nga. Cả hai hoan hỉ kể cho nhau nghe niềm vui trúng mùa và khen anh Tèo rất nhiều. Bà Tám nói qua kiếm anh Tèo để gặt lúa cho kịp vụ.
Bà Tám qua tới thì ngạc nhiên và choáng váng khi thấy thái độ …kỳ lạ của anh Tèo. Anh Tèo mải kiểm tra sổ sách, lên lịch “book show” cho chiếc máy với những khách hàng “khủng”: Những “đơn hàng” cắt lúa hàng chục công đất nhiều không kể hết.
Sau khi để bà Tám đợi chán chê, anh Tèo mới đủng đỉnh hỏi bà Tám qua kiếm có chuyện gì. Bà Tám nói muốn kêu Tèo đi cắt mấy công lúa sắp chín của bà. Anh Tèo nói muốn cắt lúa thì phải đặt lịch hẹn trước. Bà Tám nói gọi điện nhiều lần mà không được, nên phải địch thân qua gặp, mà kiếm mấy lần, bữa nay mới gặp anh Tèo.
Anh Tèo nói mình rất bận, nên bà Tám muốn cắt lúa phải theo lịch của anh Tèo. Bà Tám đồng ý. Anh Tèo kêu bà Tám khai báo thông tin vị trí ruộng lúa, chủ sở hữu ruộng, và đủ các thủ tục nhiêu khê, dù anh rành hết rồi. Bà Tám ngạc nhiên nhưng kiên nhẫn khai báo. Anh Tèo check sổ và thấy lịch trống là hơn nửa tháng nữa. Bà Tám nói không chờ được vì lúa sắp chín rụng. Anh Tèo tỉnh queo, nói bà Tám không chịu lịch thì tự mà cắt tay. Quá ngao ngán, bà Tám bỏ về. Anh Tèo không tiễn, còn nói : Không mợ, chợ vẫn đông.
Vì thói kiêu ngạo, hợm hĩnh trên, anh Tèo phải trả giá đắt. Bà con không ai còn đặt anh đi cắt lúa nữa. Anh Tèo hoang mang. Thấy bà Tám đi ngang, anh Tèo đon đả nồng nhiệt mời chào nhưng bà Tám nói bà đã cắt rồi.
. Anh Tèo ngạc nhiên vì nghĩ rằng chỉ mình có chiếc máy cắt lúa, sao bà Tám có thể cắt mà không có anh. Ông Chín mới qua nói cho anh Tèo biết, có anh Tí ở xóm bên cũng mới mua máy, và chất lượng phục vụ tốt, mọi người ai cũng kêu anh Tí. Lúc này anh Tèo mới hối hận, nhận được bài học cho mình.