Bên cạnh là một loài cây cảnh quan, thốt nốt còn gắn liền với đời sống con người thông qua việc mang lại giá trị kinh tế và là nguồn nguyên liệu trong văn hoá ẩm thực. Cùng với sức sáng tạo của con người, cây thốt nốt ngày nay còn được hoá thân thành một dòng tranh độc đáo. Mang tính nghệ thuật cao.
Tại An Giang, nghệ nhân Võ Văn Tạng đã trở thành người đầu tiên thành công với dòng tranh lá thốt nốt. Không chỉ dày công nghiên cứu hoạ tranh trên chất liệu lá đặc biệt này. Ông còn dành cho tranh lá thốt nốt toàn bộ tâm huyết của một người con luôn tự hào về quê hương – nguồn cội.
Với đặc tính không thấm nước, kháng được các loại côn trùng, tranh được vẽ trên lá thốt nốt có thể lưu giữ trong thời gian dài. Từ tàu lá tươi được cắt vào đầu mùa nắng, người thợ bắt đầu công đoạn chặt bỏ cuống và phơi trong suốt hai tuần. Khi lá khô hoàn toàn, đem xé thành từng cọng lá rồi xử lý tẩy lá bằng phèn chua và tiếp tục phơi cho đến khi đạt chất lượng.
Để có được một bức tranh đẹp, ngoài kỹ thuật cắt tỉa và dán lá, đòi hỏi người nghệ nhân phải thực sự tập trung và học được cách điều khiển bút lửa. Dụng cụ đặc biệt này vốn là một mũi hàn điện. Được cải tiến dùng thay cọ vẽ trong dòng tranh lá thốt nốt. Phải mất nhiều năm học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, người nghệ nhân mới có thể thao tác vẽ bằng bút lửa trên nền giấy lá. Kiểm soát được sắc độ, đường nét tranh thông qua việc điều chỉnh nhiệt độ của đầu mũi hàn.
Là dòng tranh có một không hai của Việt Nam, tranh lá thốt nốt còn là món quà mang hồn đất và ngừơi An Giang. Một món quà ý nghĩa cho những ai một lần đặt chân tới vùng đất Bảy Núi huyền thoại.