Phim Âu - Mỹ
Góc review: Venom chào sân ấn tượng, hoành tráng nhưng vẫn phải “nhặt sạn”
Bộ phim cho thấy sự chỉn chu, đầu tư trong việc xây dựng hình ảnh hoàn toàn mới, đầy chiều sâu của ác nhân Venom nhưng cũng tồn tại không ít tình tiết phi lí.

Mở đầu bộ phim là cảnh một con tàu không gian từ ngoài hành tinh đổ bộ vào Trái Đất mang theo những sinh vật kỳ lạ mang tên Symbiote. Những sinh vật này được tổ chức Life Foundation mang về nhằm mục đích “cứu rỗi” thế giới khỏi sự diệt vong. Để phục vụ quá trình nghiên cứu, họ sử dụng con người làm vật thí nghiệm cho Symbiote cộng sinh và những ai không hợp sẽ bị đào thải bằng cái chết.

Theo yêu cầu của cấp trên, chàng phóng viên Eddie Brock phải đi phỏng vấn Carlton Drake – người đứng đầu tổ chức Life Foundation. Thay vì ca ngơi Drake theo lệnh sếp, Eddie đã công kích những việc làm mờ ám của tổ chức. Chính điều này đã khiến anh mất tất cả trong phút chốc, cả công việc, bạn gái, căn nhà…

Cho đến một ngày, một nhà khoa học thuộc tổ chức Life Foundation đã liên lạc với anh muốn anh ngăn chặn những thí nghiệm vô nhân đạo này. Trong khi theo nhà khoa học thu thập chứng cứ, Eddie Brock vô tình bị nhiễm một cá thể Symbiote có tên là Venom.

Ban đầu Venom xuất hiện liên tục trong đầu Eddie, luôn thôi thúc và điều khiển anh làm những việc ngoài ý muốn. Eddie cực kỳ khổ sở khi vừa phải vật lộn để giành quyền kiểm soát cơ thể, vừa phải làm quen với sự tồn tại của Venom. Từ đây, các câu chuyện “dở khóc dở cười” và hành trình hoàn lương của ác nhân Venom chính thức bắt đầu.

Nhìn chung, cốt truyện khá đơn giản và không mấy gây bất ngờ cho khán giả. Tuy nhiên, bộ phim cũng có nhiều điểm sáng, điểm mới lạ thu hút người xem.

Tạo ra một siêu anh hùng gần gũi và đời thực hơn

Trong giai đoạn khán giả đang bị “hội chứng chán siêu anh hùng” thì Venom, một nhân vật đứng giữa thiện và ác đem đến nhiều hứng thú hơn. Thực chất, Venom luôn là mớ hỗn độn, tổng hòa của nhiều tính cách như chính loài người. Anh ta máu lạnh, cắt đứt đầu người như thú vui nhưng cũng tinh tế, biết nắm bắt tâm lý và trò chuyện với người khác.

Rõ ràng, Venom không phải là một siêu anh hùng cũng không hẳn là một quái vật. Mọi quyết định và hành động của Venom đơn giản chỉ theo đuổi lý tưởng mà chính anh ta và vật chủ theo đuổi. Dù đã bắt đầu hướng thiện nhưng Venom vẫn giữ cá tính “ác” và “lạnh” theo đúng bản chất ác nhân. Đây cũng chính là điểm tạo nên ấn tượng riêng cho hình tượng Venom.

Diễn xuất đặc sắc của nam chính Tom Hardy

Điểm cộng lớn nhất của bộ phim chính là tài năng của nam diễn viên Tom Hardy khi cho thấy một Eddie Brock với đủ cung bậc màu sắc của cuộc sống. Từ sở thích gây cười và bông đùa khi làm việc, sự sợ hãi và bối rối khi lần đầu thấy Venom và những tình huống “cười ra nước mắt” như ăn tôm hùm sống, kìm nén ham muốn cắn đầu người để thỏa mãn cơn đói,… tất cả đều được nam diễn viên thể hiện rất sinh động.

Thêm một điểm cộng cho “Venom” là âm thanh bắt tai, phù hợp khiến cho một số cảnh trở nên hồi hộp, gay cấn. Ngoài ra, kỹ xảo hoành tráng kết hợp cùng với hiệu ứng CGI đã làm cho bộ phim có tính “hình ảnh” cao.

Bên cạnh những điểm sáng thì “Venom” vẫn có một số điểm chưa làm các fan hâm mộ thỏa mãn.

Lỗ hổng trong khâu kịch bản

Trong “Venom”, khi loài cộng sinh Symbiote mang tên Riot đến Trái đất và thoát ra môi trường bên ngoài, hắn xâm nhập vào cơ thể một nhân viên cứu hộ khẩn cấp, rồi sau đó chuyển sang một người phụ nữ lớn tuổi.

Mọi dấu hiệu đều cho thấy loài Symbiote liên tục chuyển từ vật chủ này qua vật chủ khác, tìm kiếm cơ thể tương thích để tồn tại. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì Riot bám trụ trong cơ thể người phụ nữ lớn tuổi yếu ớt suốt 6 tháng ròng. Khó hiểu hơn nữa, trong 6 tháng đó Riot làm gì tại Malaysia trước khi xâm nhập vào cơ thể một cô bé và đến Mỹ.

Đây là một trong những điểm vô lý của kịch bản khiến Venom bị giới phê bình chê bai.

Quái vật Riot và Calton Drake quá “hiền”

Riot và Carlton Drake đều là những thủ lĩnh, Carlton đại diện cho một bộ óc siêu phàm trong khi Riot là một con quái vật sở hữu những vũ khí vượt trội. Thế nhưng khi kết hợp với nhau, có vẻ cả hai lại khá lúng túng và chật vật trong việc đối đầu với bộ đôi yếu thế hơn là Eddie và Venom. Riot-Drake trong phim đơn giản chỉ cố gắng dẹp sạch đám khoa học để khởi động phi thuyền vào không gian nhằm đưa các symbiote đến trái đất mà không suy nghĩ đến việc họ sẽ trở về như thế nào?

Chưa hết, cuộc chiến giữa hai Symbiote đình đám Riot và Venom diễn ra khá chớp nhoáng và hụt hẫng. Riot và Venom đơn giản chỉ đánh nhau vài “chiêu” ở đoạn kết rồi ai về nhà nấy. Thậm chí trong lúc giằng co căng thẳng, đôi bên phải nhờ cô bạn gái Anna giúp một tay thì Venom mới có cơ hội tiêu diệt Riot.

Có lẽ, việc cắt bỏ gần 40 phút phim của Sony đã khiến cho phim có nhiều lỗ thủng không đáng, một số cảnh quay không được trau chuốt, nội dung bị đứt quãng.

Tóm lại, dù được khen chê trái chiều song “Venom” vẫn là một phim đáng xem. Nếu bạn không quá khó tính, đòi hỏi mọi thứ quá hoàn hảo và lý tưởng như các siêu anh hùng trước đó thì “Venom” sẽ thật sự mang đến cho bạn những giây phút vô cùng thoải mái.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục