Phim
Tim và Quỳnh Châu say mê dòng tranh dân gian xứ Huế
Có 1 dòng tranh dân gian tại xứ Huế được tạo nên từ mộc, từ màu của thiên nhiên, của nắng và gió. Mỗi tác phẩm đều gắn với tín ngưỡng tâm linh của người dân. Dòng tranh được đặt tên theo nơi sinh ra nó. Tranh làng Sình. Ca sĩ Tim và người mẫu Quỳnh Châu đã có duyên đến với làng Sình và thực sự bị hấp dẫn với dòng tranh dân gian ở nơi đây trong số Việt Nam mến yêu kỳ này.

Làng Sình hay còn gọi là làng Lại Ân thuộc huyện Phú Vang. Dòng tranh này đã tồn tại hơn 500 năm không chỉ mang nét đẹp của làng, của xã mà còn tượng trưng cho văn hóa đặc sắc của xứ Huế thơ mộng.

Tranh làng Sình ban đầu phục vụ mục đích tâm linh, thờ cúng. Với ba chủ đề chính: tranh nhân vật – tranh thế mạng, tranh đồ vật vẽ các thứ áo, tiền, dụng cụ cho cõi âm, và tranh súc vật, tranh 12 con giáp. Tranh thờ cúng xong sẽ đốt đi.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, ông là đời thứ 9 trong gia đình làm nghề. Ông chia sẻ, tranh dân gian Làng Sình đã trải qua nhiều thăng trầm. Đã có lúc nghề mai một không có ai trong làng còn làm. Bản thân ông dù tâm huyết cũng đã có lúc đã buông xuôi nhìn nó chuẩn bị thất truyền. Những bản mộc gần 200 năm của gia đình ông vẫn còn giữ với hi vọng một ngày dòng tranh này sống lại. Thật may mắn từ năm 1996, nhà nước có chủ trương khôi phục lại những dòng tranh truyền thống, trong đó có tranh làng Sình.

Nghệ nhân kỳ Hữu Phước là đời thứ 9 trong gia đình làm nghề tranh làng Sình.

 

Đây là lần đầu tiên hai MC của chương trình được tận mắt xem quy trình làm ra một bức tranh làng Sình.

Từ những khuôn gỗ mít, cái đục, cây búa, ông Phước vẫn miệt mài khắc lên những khuôn hình tranh làng Sình. Cũng như dòng tranh dân gian Đông Hồ, tranh làng Sình sử dụng giấy gió quét điệp làm chất liệu cho bức tranh của mình. Màu tranh sáng, bền màu, mang nét đẹp trầm sâu cho dòng tranh dân gian.

Tranh làng Sình với 6 màu chủ đạo: đen, đỏ, vàng, cam, tím, xanh. Tất cả đều được tạo nên thủ công. Màu đen từ tro rơm, cây bàng với gạo rang. Màu đỏ từ rễ câu vang nấu 5 ngày 5 đêm. Màu vàng từ cây đung khô. Màu cam từ gạch ngói mùn. Màu tím từ quả mồng tơi. Màu xanh chỉ có thể tạo ra vào tháng 4 Âm lịch hàng năm, lên núi tìm ở những khe suối cây dành dành ra hoa. Người thợ phải lấy cả hoa, cành, lá, rễ về đun mới có thể lên màu xanh tươi. Cây dứa mọc hoang ngoài đồng, người dân làng Sình sáng tạo đem phơi, khoanh đầu lột vỏ lấy xơ mềm ngấm mực để tạo thành bút lông.

Từ dòng tranh thờ chúng, những mộc bản sau này chuyển dần sang dòng tranh trang trí. Nổi bật là bộ bát nhã trong nhã nhạc cung đình Huế.

Tranh làng Sình sử dụng 6 màu chủ đạo

Màu sắc của tự nhiên, vạn vật dưới bàn tay của người dân làng Sình biến hóa trở nên sống động trên nền giấy điệp.

Tranh làng Sình không quá cầu kỳ trong cách vẽ cũng không yêu cầu quá cao về tính nghệ thuật nhưng đòi hỏi người vẽ phải thật sự tập trung và đặt cái tâm vào bức vẽ.

Dòng tranh trang trí mô tả đời sống sinh hoạt của người dân làng Sình.

 Phơi nắng là công đoạn cuối cùng tạo nên bức tranh làng Sình. Màu của thiên nhiên, đất trời với đường nét sáng tạo của con người đã tạo nên nét in, sắc mực, sức sống mãnh liệt của dòng tranh gần 500 năm tuổi ở làng Sình.

người dân phơi tranh

Theo thời gian, tranh làng Sình không chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng mà phản ánh văn hóa xứ Huế. Như bát âm, tranh tố nữ, hội đấu vật làng Sình, hát bài chòi, kéo co…

Trải qua gần 500 năm tồn tại, tranh làng Sình đã đi một cuộc hành trình đầy thăng trầm. Đã có lúc tưởng trừng như mất nghề, thế nhưng với cái tài, cái tâm của những người nặng lòng với quê hương, tranh làng Sình hồi sinh, trở thành niềm tự hào về bản sắc riêng của vùng đất cố đô này.

Lần đầu tiên tự mình vẽ tranh làng Sình, ca sĩ Tim và người mẫu Quỳnh Châu đã có những trải nghiệm thú vị. Quỳnh Châu, cô gái cá tính có đôi chút lóng ngóng khi sử dụng cọ vẽ từ thân cây. Ngược lại, ca sĩ Tim luôn là một chàng MC khéo léo của Việt Nam mến yêu khi tỉ mỉ, cẩn thận tô vẽ. Đây đúng là một bất ngờ và hấp dẫn chờ quý vị đón xem, ai sẽ là người vẽ thành công một bức tranh làng Sình.

Tim và Quỳnh Châu trải nghiệm làm vẽ tranh làng Sình.

Chương trình Việt Nam mến yêu sẽ tiếp tục gửi tới quý khán giả những hình ảnh đẹp về làng Sình và vẻ đẹp tươi sáng của dòng tranh dân gian lâu đời ở xứ Huế này vào lúc 19h50’, thứ 7, ngày 13.10.2018 trên Kênh Truyền hình Vĩnh Long 1. Cảm ơn nhãn hàng An Trĩ Vương – Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia đã đồng hành cùng Việt Nam mến yêu trong hành trình khám phá vẻ đẹp của Việt Nam.

Quỳnh Như


Bình luận

Tin cùng chuyên mục