Thung lũng Mai Châu làm say đắm lòng người bởi màu xanh của núi rừng, của mây trắng, của những đóa hoa ban đang độ nở rộ, của thổ cẩm rực rỡ.
Đến đây, đi dọc bản Lác, ta có thể dễ dàng bắt gặp những cô gái người đồng bào Thái với đôi tay thoăn thoắt, đang tỉ mẩn, kẻo kẹt bên khung cửi, dệt nên tấm vài thổ cẩm.
Một trong những nét đặc biệt của người Thái trắng ở Mai Châu là nghề dệt thổ cẩm. Từ nhỏ các bé gái dân tộc Thái đã được mẹ dạy cho cách dệt thổ cẩm. Bởi vậy, đến khi lập gia đình, các cô gái Thái đã thành thạo nghề canh cửi và có một kiến thức nhất định về các loại sản phẩm thổ cẩm truyền thống.
Hiếu Nguyễn được giới thiệu đến gặp cô Hà Thị Trang, năm nay đã hơn 60 tuổi, nhưng ngày ngày vẫn lên nương hái dâu, nuôi tằm, lấy kén, đem về se sợi, từ đó cung cấp cho những gia đình khác để dệt nên những tấm vải thổ cẩm thủ công. Ông cha ta có câu : “ Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, đủ để thấy sự vất cả của nghề truyền thống. Cô Trang tâm sự rằng “ cái nghề truyền thống này đã ăn vào trong máu thịt, ngày một nhiều người bỏ nó đi vì quá cực khổ, nhưng đã là nghề truyền thống của ông cha để lại, nếu mình không giữ thì lấy ai vào đây giữ cho mình”. Thế là suốt bao nhiêu năm nay, cô vẫn miệt mài bên những con tằm, sợ tơ, góp công gìn giữ một cái nghề đẹp đẽ đang dần bị mai một.
Theo thời gian, sản phẩm dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng văn hóa sống động của người Thái Mai Châu. Sản phẩm từ dệt thổ cẩm đã trở thành một kho tàng của cải đáng giá của các gia đình dân tộc Thái, thể hiện sự sung túc, nếp sống văn minh của mỗi gia đình nói riêng và dân tộc Thái nói chung.
Để dệt được 1 tấm vải thổ cẩm đòi hỏi người dệt phải trải qua rất nhiều công đoạn vì dệt thổ cẩm ở Mai Châu hầu hết không sử dụng máy móc mà chỉ dùng tay và chân.
Dưới đôi bàn tay khéo léo của các cô gái Thái “dệt úp tay thành hoa, dệt ngửa tay thành lá”, những cuộn sợi với nhiều màu sắc khác nhau ấy đã trở thành những tấm vải thổ cẩm có giá trị cao với nhiều hoa văn, họa tiết và màu sắc rực rỡ.
Những tấm thổ cẩm không chỉ thể hiện sự khéo léo tài hoa của người phụ nữ Thái mà còn là nơi gửi gắm ước mơ, khát vọng, đồng thời là nơi dệt nỗi nhớ, niềm thương. Chính vì lẽ đó nghề dệt thổ cẩm đã trở thành linh hồn, là nét đẹp văn hóa không thể thiếu của đồng bào Thái ở Mai Châu.
Đừng bỏ lỡ những chuyến hành trình tiếp theo của Việt Nam mến yêu, để cùng các MC của chương trình đến với những vùng đất mới mang đầy những giá trị truyền thống cùng những cảnh đẹp nức lòng của đất nước. Chương trình Việt Nam mến yêu với sự đồng hành của nhãn hàng An Trĩ Vương – Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia, được phát sóng vào lúc 19h50 thứ 7 hàng tuần trên kênh THVL1.
Topsao