TV Show
Thăm làng nghề đan giỏ trạc tại Xuân Thới Sơn
Từ lâu hình ảnh cây tre, cây nứa đã luôn gắn liền với bao làng quê và trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Đặc biệt loại cây đa công dụng này còn tạo ra nhiều sản phẩm đan lát độc đáo góp phần nâng cao thu nhập kinh tế cho bà con. Trong đó phải kể tới làng nghề đan lát ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.
Cây tre, cây nứa là người bạn thân thiết trong đời sống của con người Việt Nam.

Đến đây ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà các mẹ tay thoăn thoắt đương giỏ, những cụ ông cặm cụi chẻ nang. Bằng tâm huyết, tình yêu cứ thế họ cho ra đời những sản phẩm đan lát độc đáo từ cây tre cây nứa.

Bà con ở ấp 6 xã xuân thới sơn Huyện Hóc Môn thành phố Hồ Chí Minh vẫn miệt mài tạo ra những chiếc giỏ trạc bền chắc để phục vụ cuộc sống sinh hoạt cho mọi người.

Tuy là những vật dụng đơn giản, phục vụ đời sống sinh hoạt của con người nhưng để làm ra những sản phẩm này, người thợ đan lát phải bỏ ra rất nhiều công sức và độ kì công cao. Từ khâu chọn nguyên liệu phải thật kỹ lưỡng bởi sản phẩm muốn bền, đẹp phải chọn tre, nứa sao cho bóng đẹp, cây già chắc. Một chiếc giỏ trạc hoàn thiện phải qua 7 công đoạn.  Chẻ nang,  lách nang,  gày, khoanh lên,  đương, vô vành, xỏ miệng. Đối với người dân ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, những mặt hàng thủ công, tuy mộc mạc, giản dị nhưng ẩn chứa những giá trị truyền thống tốt đẹp của cả vùng quê luôn tồn tại trong từng sản phẩm.

Để tạo ra một chiếc giỏ trạc người làm phải trải qua rất nhiều khâu đòi hỏi sự tỉ mẩn và khéo léo.

Có thể nói, qua mỗi sản phẩm đan lát đều thể hiện tình cảm, dấu ấn văn hóa trong đời sống sinh hoạt của người dân. Vì nghề đan lát không chỉ mang lại nguồn thu nhập giúp cho những người dân quê thoát nghèo mà còn là nghề “cha truyền con nối” qua bao thế hệ.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục