Xã Pà Cò nằm ở phía Tây Bắc của huyện Mai Châu, cách trung tâm huyện 35km. Nơi đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của người Mông Đen với tập tục cư trú trên các đỉnh núi, sống du canh du cư dựa vào núi rừng. Cũng vì lẽ đó mà người H’Mông nơi đây đã tìm ra những sắc màu tự nhiên của núi rừng để làm đẹp thêm cho trang phục của mình.
MC Phương Thảo trong trang phục của người H’Mông
Mỗi khi công việc đồng áng tạm xong xuôi, những người H’mông lại bắt tay vào việc may vá thêu thùa. Trang phục của họ được làm chủ yếu từ vải lanh. Vì vải lanh rất bền. Sợi lanh được cắt về phơi khô, đem rã cho mềm rồi mới nối.
Trước khi dệt vải, sợi lanh được ngâm với tro bếp. Tro bếp càng trắng, Vải lanh càng đẹp. Sau khi dệt, người ta phải đem tấm vải đi giặt rồi phơi cẩn thận. Rồi lu cho tấm vải trở nên bóng mịn. Tấm vải càng trắng, càng mịn thì tràm sẽ càng dễ bám lên vải.
Người H’Mông quan niệm rằng đôi bàn tay cô gái nào xanh xanh màu tràm ấy là người chăm chỉ, chịu khó. Tương lai sẽ là người vợ tốt.
Cây chàm có màu sắc tươi và rất bền màu
Ngoài màu xanh của chàm, người ta còn dùng những loại thực vật quanh nhà để tạo cho tấm vải những màu sắc khác nhau.
Các bước chuẩn bị cho vẽ sáp ong trên vải lanh cũng lắm công phu. Sáp ong đen và sáp ong vàng sau khi nấu được trộn đều với nhau lúc nào cũng phải giữ cho nóng. Để vẽ được sáp ong lên vải, 1 công cụ không thể thiếu đó là bút vẽ. Gọi là bút nhưng kì thực đó là 1 thanh tre nhỏ dài với ngòi bút là 1 lá đồng bé xíu hình tam giác được nẹp vào thanh tre.
Thanh tre hình tam giác là thứ duy nhất để sáng tạo những bức tranh trên váy áo
Khi vẽ, người phụ nữ H’mông luôn phải ngồi bên bếp lửa chấm bút vào sáp ong nóng, thoăn thoắt đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Phải kẻ thật khéo để lượng sáp chảy đều không loang lổ.
Họa tiết trang trí trên những tấm vải cũng thể hiện được mắt thẩm mĩ tuyệt vời của phụ nữ H’mông. Họ thành thục trong việc bố cục những hoa văn hình tròn, đường cong, hình xoáy chôn ốc.
Họa tiết trang trí trên trang phục của người H’Mông
Những đường xoáy dứt khoát, thanh thoát, nhịp nhàng, uyển chuyển tạo cho bố cục hài hòa và không đơn điệu. Những họa tiết này biểu hiện cho sự biến chuyển của mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian.
Màu sắc được kết hợp tinh tế với nhau trên trang phục
Tất cả được cảm thụ và đưa vào họa tiết trang trí váy áo một cách tinh tế mà không ở nơi nào có được. Trên nền vải màu xanh tràm nổi bật hàng hoa văn sáp ong trắng bạc, như minh chứng cho tài hoa của người phu nữ H’mông.
Hiếu Nguyễn và Phương Thảo trải nghiệm vẽ sáp ong trên trang phục của người H’Mông
Từ nhỏ, người cô gái H’Mông đã ý thức được về làm lanh, làm vải, làm sáp không chỉ để làm đẹp mà còn là trách nhiệm, bổn phận để duy trì một nét đẹp của tổ tiên.