Xã hội
“Giữ hồn” gốm cổ Biên Hòa
Với chặng đường hơn 300 năm đồng hành cùng lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, nghề gốm truyền thống Biên Hòa đã khẳng định được nét riêng. 

Theo các nhà nghiên cứu, gốm Biên Hòa là thương hiệu gốm Việt duy nhất được định danh trên trường quốc tế bởi chất liệu men đặc trưng là “men xanh đồng trổ bông”. Chính những nét tinh xảo cùng nước men đặc trưng được nghệ nhân thổi hồn vào từng sản phẩm mà gốm Biên Hòa được người yêu gốm trong và ngoài nước đón nhận.

Dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai thơ mộng, làng gốm với hàng chục cơ sở sản xuất, trải dọc từ huyện Vĩnh Cửu xuôi theo hạ nguồn đến thành phố Biên Hòa, trong đó tập trung chủ yếu ở các phường Tân Hạnh, Hóa An, Bửu Hòa, Tân Vạn, Hiệp Hòa (còn gọi Cù lao Phố).

Nằm đối diện cù lao Phố bên kia bờ sông Đồng Nai là lò gốm cổ Phong Sơn, được xây dựng những năm cuối thế kỷ XIX, cách đây gần 200 năm. Dù nhiều hạng mục bị xuống cấp theo thời gian, nhưng phần thân chính của lò gốm cổ Phong Sơn vẫn còn nguyên vẹn.

Chị Mai Ngọc Nhi – Chủ lò gốm cổ Phong Sơn, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

“Lò gốm nhà em đã gần 200 năm. Hiện giờ là 1 trong những là lâu nhất hiện nay mà vẫn còn đang giữ được”.

Theo các nghệ nhân gốm Biên Hòa, những dòng gốm làm nên tên tuổi của gốm cổ Biên Hòa là gốm đất đen và gốm mỹ nghệ. Nguyên liệu chính để sản xuất gốm Biên Hòa là đất sét và cao lanh. 

Nói về gốm Biên Hòa, các chuyên gia, nhà nghiên cứu gốm cho cho rằng, giá trị mà gốm cổ Biên Hòa để lại đó là nước men mà không loại gốm nào có được, đó là “men xanh đồng trổ bông”.

Ông Lê Thanh Nhạn – Nghệ nhân gốm Biên Hòa

“Gốm Biên Hòa có chất màu đó là màu xanh đồng trổ, rất đặc của gốm Biên Hòa. Người ta dùng tro, tro trấu hoặc tro lò”.

Ông Nguyễn Thành Phi – Nghệ nhân gốm Biên Hòa

“Khách hàng người ta yêu cầu tề tài gi trên cái sản phẩm đó rồi bắt đầu thợ người ta vẽ lên. Ví dụ người ta khắc lên cây mai đi, rồi thợ người ta vẽ bông vẽ hoa lên, rồi bắt đầu qua khâu chấm men, như cái … rồi cái bông mai màu gì rồi lá mai màu gì rôi thợ mới phân màu ra, xong rồi bắt đầu vô lò.”

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, sản phẩm gốm Biên Hòa được ưa chuộng ngoài các yếu tố trên, còn có sự giao thoa giữa 3 dòng gốm người Việt, người Hoa và người Chăm. Đây cũng chính là nét riêng của sự giao thoa văn hóa mà ít dòng gốm nào có được.

Chị Mai Ngọc Nhi – Chủ lò gốm cổ Phong Sơn, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

“Cái cách người ta xoay một bình gốm bằng tay, làm thủ công 100% để ra được hình thù, hình dáng của một cái lu cái chậu, đó là cái cách họ đã mang đến cho Biên Hòa, Đồng nai cách làm. Rồi sau này nghệ nhân họ biến tấu cho phù hợp với văn hóa, cái sản phẩm phù hợp với địa phương”.

Là người làm gốm lâu năm, hơn ai hết những người được truyền lửa nghề như chị Mai Ngọc Nhi đang trăn trở làm sao thu hút giới trẻ đến gần hơn với gốm. Đây cũng chính là trăn trở của người đang “giữ hồn” gốm cổ Biên Hòa, với mong muốn nghề gốm cổ Biên Hòa không bị mai một mà ngày càng phát triển./.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục