Xã hội
Giữ nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm
Ngô đồng là loài cây đặc hữu ở đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam. Từ bao đời nay, vỏ loài cây này đã được người dân nơi đây sáng tạo, lưu truyền nghề đan võng thủ công và xem đó như một vốn di sản quý giá, được chắt chiu từ thiên nhiên và đôi bàn tay khéo léo của con người. Vì vậy, việc gìn giữ di sản này cũng chính là gìn giữ và phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn của Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Du khách tới Cù Lao Chàm ngoài tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ, phong phú của Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận, còn ấn tượng với nhịp sống bình dị và đậm nét văn hóa bản địa của cư dân trên đảo. Đặc biệt là hình ảnh người dân ngồi đan võng bằng vỏ cây ngô đồng, nghề thủ công được lưu truyền đã hơn 300 năm nay. 

Bà Trần Thị Chức – Thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam

“Hồi xưa nhà nào cũng có, ai cũng đan hết.”

Dù được xem là nghề thủ công tiêu biểu cho đời sống văn hóa và tri thức dân gian đặc sắc của người dân trên đảo, thế nhưng nghề đan võng ngô đồng cũng đang đứng trước nguy cơ mai một khi cả đảo chỉ còn vài người lớn tuổi thạo nghề. Do quy trình làm võng kỳ công, từ khai thác, sơ chế vỏ cây thành sợi cho đến khi hoàn thiện 1 chiếc võng mất 3-4 tháng, nên dù có giá thành lên tới hàng chục triệu đồng, nhưng những người trẻ cũng không mặn mà theo học nghề.

Để giữ nghề truyền thống này, những năm qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm thủ công từ cây ngô đồng và giới thiệu vào các chương trình tham quan, trải nghiệm cho du khách khi tới Cù Lao Chàm, cũng như tổ chức Lễ hội hoa ngô đồng đỏ thành sự kiện văn hóa thường niên.

Ông Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam

“Ngoài việc trình diễn nghề đan võng ngô đồng thì chúng tôi đang vận động làm thêm các sản phẩm mới, có thể là túi xách hoặc vỏ đựng bình nước hoặc những chiếc mũ để phục vụ du khách để từ đó nâng thu nhập.”

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam

“Thành phố đã giao cho phòng kinh tế, cơ quan quản lý ngành, trực tiếp hướng dẫn liên quan đến việc đó là đã thành lập HTX, vận động, khuyến khích, hỗ trợ việc giữ nghề, duy trì nghề, quản lý kiểm tra để đảm bảo việc khai thác phù hợp nhất.”

Nghề đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm mới đây đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây được xem là điều kiện tốt để địa phương tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị của di sản độc đáo này./.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục