Đời sống
Để bảo vật quốc gia xứng tầm di sản
Ngay đầu xuân mới, 27 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là những hiện vật vô giá, di sản độc bản, hàm chứa giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu của dân tộc.

Điều đáng chú ý, ngoài những hiện vật tại các di tích lịch sử, các bảo tàng công lập, tiếp tục có những bảo vật thuộc bộ sưu tập tư nhân được công nhận. 11 năm qua đã có 11 đợt được công nhận và số bảo vật quốc gia hiện nay là 264. Bên cạnh việc công nhận bảo vật quốc gia còn là câu chuyện bảo tồn, khai thác giá trị của các bảo vật sao cho xứng tầm.

Ngày 30/1 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia.Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Trong đợt công nhận Bảo vật Quốc gia lần thứ 11 vừa được công bố, Hoàng thành Thăng Long có tới 4 bảo vật quốc gia. Đầu tiên là cặp thành bậc điện Kính Thiên, được xác định niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17 – thế kỷ 18).

Em Đặng Văn Hiếu – TP. Hà Nội: “Mới đây cháu biết tại Hoàng Thành Thăng Long có thêm 4 bảo vật quốc gia trong đó có đôi rồng đá thời Lê Trung Hưng, qua tìm hiểu cháu thấy yêu thêm lịch sử văn hóa Việt Nam, cảm thấy phải bảo vệ những di sản của quốc gia và dân tộc mình hơn.”

Thứ 2 là đầu rồng thời Trần, một bộ phận quan trọng trong bộ sưu tập trang trí trên bộ mái kiến trúc truyền thống nói chung và kiến trúc thời Lý, Trần nói riêng. Nhóm thứ 3 là bộ sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ thuộc thế kỷ 15 – đầu thế kỷ 16. Cuối cùng là cổ vật Súng thần công thời Lê Trung Hưng.

Anh Đàm Anh Thuận – Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội: “Bảo quản trong những căn phòng có đọ ẩm có không khí có ánh sang chế độ … tránh tác động xâm hại của môi trường”

Ngay sau khi được công nhận, đã có những đoàn du khách đến tham quan, tìm hiểu những bảo vật quốc gia mới tại khu di sản Hoàng Thành Thăng Long. Trong số rất nhiều hiện vật được khai quật, bảo vật quốc gia được trưng bày và quảng bá đã làm tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản này.

Trong đợt công nhận bảo vật quốc gia mới nhất này cũng có đến 7 bảo vật thuộc sở hữu tư nhân. Việc tăng nhiều những bảo vật thuộc sở hữu tư nhân cũng mang tới cơ hội cho công chúng có điều kiện tiếp cận, chiêm ngưỡng những sáng tạo vô giá mà cha ông đã để lại.

Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Kính – Hà Nội: “Tình cờ cơ duyên, tìm hiểu thấy đây là di sản tổ tiên để lại mình là con dân Việt nên có trách nhiệm gìn giữ.”

Trong tổng số 264 bảo vật quốc gia được công nhận, có 15 bảo vật trong bộ sưu tập Gốm sứ An Biên của nhà sưu tậpTrần Đình Thăng. Là cá nhân đang lưu giữ nhiều cổ vật quốc gia nhất, ngoài phòng trưng bày tại Hải Phòng, ông Thăng cũng kết nối với Bảo tàng lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hải Phòng để trưng bày bộ sưu tập Gốm Việt thực sự có giá trị lịch sử này.

PGS Nguyễn Văn Huy – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học: “Mỗi 1 người mỗi 1 công dân đều có cái nghĩa vụ trách nhiêm bảo vệ di sản cho đến hiện nay các nhà sưu tập tư nhân ngày càng nhiều và ngày càng phát huy tác dụng của họ.”

Và theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Thế Hồng – Chủ nhân bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng ở Từ Sơn, Bắc Ninh đã chi 6,1 triệu Euro (tương đương hơn 153 tỷ đồng) mua ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ nhà đấu giá Pháp. Dự kiến, cổ vật này sẽ được hồi hương về nước trong thời gian tới./.

Theo điều 43 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi 2009), bảo vật quốc gia thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội phải được quản lý trong các bảo tàng và không được mua bán, tặng cho. Bảo vật quốc gia thuộc các hình thức sở hữu khác chỉ được mua bán, trao đổi, tặng và thừa kế ở trong nước.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng và triển khai phương án bảo vệ cũng như phát huy di tích của các bảo vật quốc gia. Và để làm tốt điều này, rất cần sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan, làm sao để những bảo vật quốc gia thực sự phát huy được giá trị và luôn là niềm tự hào của đất nước.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục