Đời sống
Gìn giữ “hạt ngọc” của đại ngàn
Đồng bào dân tộc K’ho ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đến nay vẫn còn giữ truyền thống sản xuất lúa đồi, hay còn gọi là lúa rẫy. Hạt giống lúa rẫy được bà con nơi đây xem như “hạt ngọc”, chung tay giữ gìn và phát triển cho đời sau.

Ở xã Gia Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng vẫn dành một diện tích nhất định để duy trì và giữ gìn phát triển giống lúa truyền thống được ông bà, cha mẹ nhiều thế hệ trước để lại. Năm nay, gia đình bà Ka Hệt thôn Ka Sá trồng gần 1 sào lúa rẫy. Bà Hệt cho biết, việc trồng lúa này có từ ngày xưa, ông bà truyền lại cho hạt giống để gieo trồng. Người trong thôn từ nhỏ ai cũng biết cách trồng lúa rẫy.

Bà Ka Hệt – Xã Gia Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng: “Này hồi xưa ông bà mình quý lắm. Mình làm ra hạt lúa, hạt gạo này mới sinh sống, có con cái, mình mới trưởng thành, nhờ hạt lúa hạt gạo này”

 Mỗi năm, lúa rẫy chỉ được trồng đúng một vụ. Quy trình trồng lúa rẫy rất đơn giản. Vào đầu mùa vụ, bà con chọn những con đồi thoải vừa dốc, kết hợp trồng lúa đồi tại những vườn cà phê còn thấp. Khi mưa xuống, đất mềm và tơi hơn, bà con lấy những hạt lúa giống đã tuyển chọn gieo vào đất. Không cày bừa như lúa nước, chỉ có hình ảnh người đàn ông đi trước dùng 2 thân cây nhỏ đào lỗ, người phụ nữ bỏ hạt lúa xuống rồi lấp đất lại.

Những hạt lúa đã gửi vào lòng đất sẽ nhờ sương trời gió núi, mưa rừng để vươn mình nảy mầm xanh. Từ lúc trỉa hạt cho đến khi thu hoạch, bà con chỉ tốn công làm cỏ, cây tự sinh, tự dưỡng theo quy luật tự nhiên. Sau 6 tháng trồng, nếu thời tiết thuận lợi, cây lúa rẫy sẽ đơm bông, kết thành những hạt lúa to, chắc nịch, tỏa hương thơm ngát.

Chị Ka Hom – Xã Gia Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng: “Đặc điểm của lúa rẫy nó có hương thơm từ lúc trổ bông đến thu hoạch, mùi thơm rất riêng biệt, khác với lúa nước. chất lượng hạt gạo ngọt hơn béo hơn so với các loại gạo khác Để duy trì bản thân mình tận dụng mảnh đất nào đó của gia đình để duy trì giống lúa này thôi”

 Em Ka Han – Xã Gia Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng: “Con sẽ cùng cha mẹ, ông bà để gìn giữ trông lại giống lúa nà để gìn giữ giống lua không bị mất đi cái mất đi truyền thống của mình”

 Mùa xuân về, khi những hạt lúa vàng đã được thu hoạch xong là thời điểm đồng bào dân tộc K’ho mong đợi nhất trong năm – đó là Lễ cúng lúa mới. Lúc này, Lễ cúng lúa mới được tổ chức linh đình, con cháu sum vầy cùng chung thưởng thức những ché rượu cần thơm ngon, ủ từ lúa rẫy với men rừng, cùng nắm tay nhau bên ánh lửa hồng, múa hát hòa nhịp với tiếng chiêng.

 Người K’ho xem lúa rẫy là “hạt ngọc” của trời ban tặng, là hiện thân của sự kết tinh trời đất, là truyền thống bản sắc văn hoá của cộng đồng dân tộc cần phải gìn giữ, tiếp nối./.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục