Đời sống
Giữ lửa nghề tinh hoa đất Thăng Long xưa
Vùng đất Thăng Long xưa có 4 nghề tinh hoa thường được người ta nhắc tới với câu nói “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. Thế nhưng, từ đầu thế kỷ XXI, tại Định Công - nơi từng được mệnh danh là trung tâm chế tác vàng bạc lớn nhất đã không còn mấy ai theo nghề truyền thống và đang đứng trước nguy cơ mai một.

Tuy nhiên, bằng tình yêu, niềm đam mê với nghề cổ của cha ông, một số nghệ nhân hiếm hoi trong làng vẫn đang miệt mài “giữ lửa” nghề Đậu bạc Định Công – một trong những nghề tinh hoa của đất Thăng Long xưa.

Đậu bạc đấy là dùng các sợi chỉ bạc 0,26 li, xoắn lại với nhau, xong cán dẹt ra để uốn thành các hoa văn, họa tiết khác nhau, ghép lại thì từ hàng trăm hàng nghìn chi tiết nhỏ đấy ghép lại với nhau thì đấy là kỹ thuật đậu bạc. Đòi hỏi người thợ phải cần cù, tỉ mỉ, có óc mỹ thuật và sự sáng tạo.

Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh – Làng nghề Đậu bạc Định Công, TP.Hà Nội

“Những chi tiết rất nhỏ, có thể nhỏ như hạt vừng, hạt kê cứ nhỏ xíu xong rồi lại ghép lại với nhau, có thể gồm có 10 bước, chẳng hạn bạn làm chín bước tốt rồi. Bước cuối cùng bạn là hàn lại với nhau, có gì bị hỏng là bạn lại phải bắt đầu lại từ đầu. Thời gian bắt đầu, mình rất là ức chế… nhưng mà đến lúc thành công thì nó lại là động lực của mình.”

Nghề kim hoàn có bốn kỹ thuật chính, gồm: trơn, đấu, chạm và đậu. Trong đó, kỹ thuật đậu bạc ở vị trí cao nhất và khó nhất. Đậu bạc ở Định Công đến nay đã có lịch sử 1.500 năm và từng rất hưng thịnh khi được mệnh danh là 1 trong 4 nghề tinh hoa của đất Thăng Long xưa. Tuy nhiên, hiện cả làng chỉ còn duy nhất 2 gia đình vẫn ngày ngày miệt mài giữ lửa cho nghề truyền thống.

Nghệ nhân Nhân dân Quách Văn Hiểu – Làng nghề Đậu bạc Định Công, TP.Hà Nội

“Năm đời theo cái nghề của tổ tiên ông cha để lại thì cho đến giờ là cũng rất tự hào là đã giữ lại được cái nghề của mình, mặc dù là cũng đã nhiều người rất ưa chuộng trong và ngoài nước, nhưng để tồn tại thì là một cái vấn đề.”

Để nghề truyền thống không mai một và bị thất truyền, nhiều lớp truyền nghề đã được các nghệ nhân mở ra. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật khó, mặt khác để có một sản phẩm hoàn hảo đòi hỏi tay nghề cao và phải mất tới hàng chục ngày công, thậm chí lâu hơn. Vì thế, chỉ khi thực sự yêu nghề, mê mẩn với nghệ thuật kéo chỉ bạc người thợ mới có thể tạo ra một sản phẩm chất lượng và gắn bó lâu dài với nghề.

Anh Lê Đình Sơn – Huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội

“Tôi mất hai hoặc ba tháng và bắt đầu làm được những sản phẩm đơn giản. Còn để làm sản phẩm phức tạp thì phải qua ba năm thì bắt đầu làm chỉn chu hơn. tôi đã làm hơn 7 năm nhưng vẫn phải học hỏi thêm.”

Dù chỉ còn lại 2 gia đình trong làng nhưng bằng sự tâm huyết và nỗ lực của các nghệ nhân, nghề đậu bạc Định Công đang được nhiều người biết đến hơn và dần phục hồi trở lại.

Du khách

“Chúng tôi biết nơi này thông qua mạng xã hội.  Chúng tôi đã đặt chế tác nhẫn và khuyên tai ở đây chúng tôi thật sự rất ấn tượng và hài lòng.”

Bà Nguyễn Thị Lan – Phó Chủ tịch UBND phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội

“Phường cũng đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn để xây dựng đề án đào tạo, quảng bá và giới thiệu sản phẩm trong đó thì chú trọng đào tạo nghề cho thế hệ trẻ và xây dựng một khu trưng bày sản phẩm kết hợp với cả văn hóa, tâm linh bên cạnh đó thì phường cũng đang phối hợp với các phòng, ban chuyên môn để đăng ký và quản lý nhãn hiệu bạc Định Công.”

Với sự quan tâm của chính quyền cùng với sự tâm huyết, sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân, làng nghề Đậu bạc Định Công sẽ tiếp tục được gìn giữ, bảo tồn và phát triển./.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật. 


Bình luận

Tin cùng chuyên mục