Đời sống
Sản phẩm ocop góp phần quảng bá văn hóa địa phương
Thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP”, tỉnh Cà Mau đã cơ bản quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn.

Đặc biệt, tập trung bảo tồn và tiếp tục phát triển các nghề truyền thống, từ đó hình thành nhiều sản phẩm OCOP có vai trò như một “đại sứ” truyền tải, quảng bá các thương hiệu, các giá trị truyền thống của vùng đất ở cực Nam Tổ quốc.

Mật ong rừng U Minh là sản phẩm OCOP được biết tới rộng rãi trên thị trường trong nước. Không chỉ có giá trị kinh tế cao, sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa địa phương này cũng giúp lan tỏa, quáng bá thương hiệu “nghề gác kèo ong” – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tôn vinh nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm, gắn liền cuộc sống của nhiều thế hệ cư dân vùng rừng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau). Ông Trần Trung Quốc – Xã Khánh Thuận: “Mật bây giờ nó cũng quý, mật rừng thiên nhiên ở đây không ai nuôi được chỉ gác kèo là nó xuống, chứ không có nuôi cho ăn uống gì đâu, bình thường thôi. Trước khi gác đi lấy cũng trùm lưới, có cây đuốc xé bằng xơ dừa thổi khói cho thấm thì nó không lại mình.”

Được công nhận di sản văn hóa quốc gia, nghề gác kèo ong cũng đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, được các khu du lịch sinh thái ở Cà Mau tổ chức cho du khách trải nghiệm. Anh Bùi Việt Tân – Quản lý KDL sinh thái 5 Quốc: “Trước đây ong thì mình khai thác mật ong khai thác đơn thuần thôi, thời gian gần đây mình kết hợp với mật ong và du lịch trải nghiệm tham quan nghề gác kèo ong, đi thu hoạch ong bán sản phẩm làm mật ong và quả bá du lịch sinh thái đối với nghề gác kèo ong.”

Phát triển sản phẩm OCOP từ đặc sản địa phương, và ngược lại, sản phẩm OCOP vươn xa góp phần quảng bá đặc trưng văn hóa bản địa, vùng miền. Đến nay, nuôi tôm và chế biến tôm, trong đó có tôm khô, là ngành kinh tế chủ lực của Cà Mau. Tôm khô Cà Mau được ưa chuộng bởi hương vị, màu sắc đặc trưng của con tôm lớn lên trên đất phù sa màu mỡ, vùng bãi triều rộng lớn, hay dưới tán rừng ngập mặn ven biển. Bà Trần Xuân Oanh – HTX Trúc Thương, huyện Đầm Dơi: “Khi muốn ra thị trường thì sản phẩm nào nó đạt phải lựa những con lỗi bỏ ra hàng xấu, còn những hàng đẹp để riêng. Các khâu làm đều an toàn thực phẩm.”

Tôm khô, ba khía, cá sặc bổi, cua Năm Căn, mật ong rừng U Minh,… những sản phẩm OCOP Cà Mau đang chinh phục thị trường trong và ngoài nước, đều chứa đựng trong đó những nét đặc trưng của đất và người Cà Mau, góp phần quảng bá văn hóa, du lịch nông nghiệp, du làng làng nghề của tỉnh.  Ông Nguyễn Chí Công – PGĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau: “Vận động các chủ thể đưa các cái nét văn hóa đặc trưng của địa phương đó vào sản phẩm OCOP. Từ thiết kế bao bì đến tạo ra hương vị món ăn, từ việc viết lên câu chuyện sản phẩm thì đều lồng ghép và cố gắng đưa những tinh túy của nét văn hóa địa phương đó vào trong sản phẩm.”

Trong gần 120 sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau, có nhiều sản phẩm gắn với bản sắc văn hóa lâu đời của cộng đồng dân cư. Trải qua nhiều thế hệ, nơi đây đã để lại những nghề hết sức độc đáo, những sản phẩm văn hóa lẫn sản phẩm kinh tế nhiều giá trị./.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục