Đời sống
Sức sống cây tràm trên vùng đất Hậu Giang
Ở những khu vực đất phèn, bạc màu, trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả, cây tràm đã bén rể từ nhiều năm nay. Loài cây lâm nghiệp này dần khẳng định được giá trị kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần tăng dần "mảng xanh" trên vùng đất Hậu Giang.

Nếu trước đây, người dân chỉ trồng tràm tự phát để cây tự sinh trưởng rồi lấy gỗ làm cột nhà, chất đốt, thì ngày nay tràm còn được chiết xuất tinh dầu, gỗ tràm phục vụ phổ biến hơn trong lĩnh vực xây dựng… Vì vậy, việc trồng tràm trên vùng đất Hậu Giang những năm gần đây là câu chuyện kinh tế, giúp cải thiện đời sống cho những hộ dân ở khu vực đất phèn, trũng, canh tác nông nghiệp kém hiệu quả.

Ông Trần Văn Thư – Xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang: “Cách đây 5 năm, tôi trồng 1.000m 2. Thấy hiệu quả nên lần thứ 2 tôi trồng thêm 3 công. Trồng loại cây này không tốn kém gì nữa, không bỏ phân; chỉ yêu cầu chăm sóc là cắt tỉa nhánh, giữ cây sao cho đừng đổ ngã.”

Bà Phan Thị Hiếu – Xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang: “So giữa việc trồng tràm bông vàng và làm ruộng, trồng tràm bông vàng khỏe hơn. Cây này trồng rất dễ, cũng không chăm sóc gì, nó cứ lên và rụng lá, nếu tán lá rộng thì cắt nhánh cho cây mau lớn, cũng không chăm sóc rãi phân gì hết…”

Năm nay, tỉnh Hậu Giang đang triển khai trồng trên 1,4 triệu cây lâm nghiệp phân tán, chủ yếu là tràm bông vàng, tràm Úc và tràm cừ. Phần lớn diện tích đất trồng cây lâm nghiệp phân tán chủ yếu là đất vườn tạp, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, đất ven sông, kênh, nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân. Hiện nay, ngành chức năng đã hỗ trợ cây giống, hướng dẫn người dân các kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ để cây sinh trưởng tốt, rút ngắn chu kỳ kinh doanh, tăng hiệu quả kinh tế.

Ông Đoàn Ngọc Thân – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Hậu Giang: “Mảng xanh trên địa bàn tỉnh ngày càng được lấp đầy, phục vụ cho sinh cảnh, tăng mỹ quan nông thôn. Về đầu ra của cây tràm, chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân khai thác khi có hiệu quả cao nhất để cung ứng cho lĩnh vực xây dựng. Thời gian qua, Kiểm lâm đã phối hợp công ty gỗ đến khảo sát, có hướng thu mua cành nhánh gỗ để sản xuất viên nén, qua đây góp phần tạo hướng ra bền vững hơn cho người dân. Có 1 doanh nghiệp liên kết với Nhật thu mua gỗ, các cành nhánh từ cây tràm sản xuất viên nén để xuất khẩu sang Nhật bản, Châu Âu.”

Ngoài giải quyết bài toán kinh tế cho người dân, việc phát triển cây tràm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang còn góp phần thực hiện đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ; hiện thực chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang./.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế… mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục