Khi được chương trình đưa ra thử thách bán nón lá, Mai Phương và Anh Tú đã rất háo hức thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng Anh Tú cũng đành “chào thua” trước khả năng “chốt đơn” của nàng Hậu. Mai Phương chẳng những hoàn thành thử thách sớm hơn, bán được số tiền nhiều hơn mà còn nhận được tiểu thương trong chợ yêu thương gửi tặng quà.
Từ lâu, hình ảnh người phụ nữ dịu dàng với áo bà ba và chiếc nón lá trở nên gần gũi, thân thuộc. Nón lá không chỉ đơn thuần là vật dụng để che mưa, che nắng mà còn là cái “duyên”, cái “hồn” của vùng sông nước miền Tây… Không ai nhớ rõ nghề chằm nón lá xuất hiện ở ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An từ khi nào. Chỉ biết rằng đây là nghề truyền thống của ông bà rồi truyền lại cho con cháu. Từ đó, cứ đời trước truyền cho đời sau, nghề chằm nón duy trì cho đến ngày nay.
Nguyên liệu chính để chằm nón là lá mật cật. Lá mật cật già đem luộc chín, vuốt thẳng, phơi ráo. Lá phải được cán hay vuốt thẳng. Sau đó, xếp từng lá chồng dọc theo khuôn để chằm. Để có được một chiếc nón lá đẹp người thợ phải trải qua quá trình lao động bền bỉ và cũng công phu với nhiều công đoạn, từ làm mô hay còn gọi là làm khung, bắt vành, xây lá, rồi đến chằm nón…khâu nào cũng đòi hỏi sự khéo tay và nhẫn nại. Muốn có chiếc nón đẹp mắt, bán được giá thì người thợ phải chú ý từ khâu chọn lá sao cho bóng đẹp, xây vành thật đều, từng mũi kim phải thật nhỏ để đường chỉ trông sắc sảo.
Tuy chỉ là vật dụng đơn sơ nhưng chiếc nón lá lại ẩn chứa hồn quê mộc mạc, dung dị và cũng rất đỗi Việt Nam. Còn đối với bà con xóm nghề, chằm nón lá không đơn thuần là kế sinh nhai của mỗi gia đình mà đó còn là cách để lưu giữ hồn quê.
Những vùng đất xinh đẹp và diệu kì, những câu chuyện văn hóa đỉnh cao, những món ăn độc đáo đầy dư vị – Một Việt Nam tươi đẹp và quyến rũ sẽ hiện dần qua những thước phim ấn tượng. Hãy đón xem Việt Nam mến yêu được phát sóng lúc 19h50 Thứ Bảy hàng tuần trên kênh THVL1.