Đời sống
Vướng vào tín dụng đen 4.0 – Trả mãi không hết
Giả như quý vị đang cần vay 1 số tiền để phục vụ cho mục đích cá nhân, quý vị sẽ tìm cách nào để vay? Hỏi mượn người thân? Ngân hàng? Công ty tín dụng? Hay tiệm cầm đồ? Và gần đây Quang Huy được biết thêm 1 phương thức vay tiền khác đang hoạt động, đó là vay tiền trực tuyến, vay tiền qua app, hay còn gọi là ứng dụng vay. Việc nở rộ những ứng dụng cho vay kèm theo đó là những biến tướng trở thành 1 dạng của tín dụng đen đã kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường.

Ngồi chia sẻ lại câu chuyện của mình, chị Thắm vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị kể rằng kinh tế gia đình chị chỉ được gọi là tạm đủ. Rồi đột ngột, chồng chị bị tai nạn nằm viện, tiền trong nhà đâu có dư để xoay sở. Vì cần số tiền dưới 10 triệu nên đi vay mượn ngân hàng hay các công ty tín dụng sẽ bị hạn chế, chưa kể thủ tục lại rườm rà. Chị nghe nói rằng vay tiền qua app, thủ tục nhanh gọn, lãi suất 0%, có tiền ngay sau vài phút.

Đang cần tiền, chị Thắm vội vàng lên trang ứng dụng tìm hiểu và sau đó quyết định tải app vay tiền về và làm theo hướng dẫn.

Khi tải ứng dụng app vay tiền về rồi, chị Thắm làm theo những gì app vay tiền hướng dẫn đó là điền thông tin cá nhân như địa chỉ cư trú, mặt trước và mặt sau của chứng minh nhân dân, được quyền truy cấp danh bạ và bộ sưu tập ảnh của chị. Mặc dù chị biết đây là những thông tin cá nhân, phải được bảo mật nhưng do chị đang rất cần tiền, mà không điền vào thì không được triển khai bước tiếp theo, tức là vay tiền sẽ không thành công. Và cũng từ đó, chị bắt đầu vướng vào hàng loạt rắc rối.

Hơn 1 tuần nay, cổng nhà chị Thắm thường xuyên bị tạt xăng, xịt sơn đỏ hay thậm chí là có nhiều bịch rác hôi thúi xuất hiện, chỉ để ép chị phải thanh toán nợ đúng hạn.

Việc này khiến chị suy sụp tinh thần rất nhiều, chồng chị lại đi công tác xa không có ở nhà, chị không biết chia sẻ với ai. Nhưng “kim trong bọc có ngày cũng lòi ra”, chị Kiều – hàng xóm của chị Thắm, đã vô tình lên mạng và thấy hình chị Thắm được gán ghép, xử lý photoshop rồi được đăng trên các trang bậy bạ. Chưa kể, chị Kiều còn nhận được cuộc gọi quấy phá, cũng với mục đích thúc ép chị Thắm trả nợ đúng hạn.

Biết là không giấu được, chị Thắm đành phải kể hết cho chị Kiều nghe nỗi khổ và nỗi sợ của mình.

Ban đầu chị Thắm thử mượn có 2 triệu thôi, thì tiền chuyển khoản cho chị là 1 triệu 4, phí hồ sơ là 600 ngàn. Thời hạn trả là 7 ngày, chớ không phải là 30 ngày như họ nói lúc đầu.

Biết chị Thắm không đủ tiền trả, bên phía tín dụng đen này lại dẫn dụ chị tải những app vay tiền khác, chị cứ luẩn quẩn với vay nợ mới trả nợ cũ. Số tiền mượn ban đầu có 8 triệu, qua 1 tháng, trả gần 90 triệu đồng vẫn chưa hết nợ. Vậy thì tính ra lãi suất tổng thể tới 900% 1 năm.

Đặc trưng của các dịch vụ cho vay trực tuyến là lãi suất cho vay và các mức phí kèm theo thường rất cao. Do vậy, để tránh các phát sinh nằm ngoài dự kiến, người tiêu dùng cần biết rõ các mức lãi suất, các mức phí và các chi phí có thể phát sinh trong những trường hợp cụ thể (trả nợ trước hạn, chậm trả, gia hạn thời gian vay, phí tư vấn dịch vụ…).

Cùng đón theo dõi tập phát sóng được mang tên “Tín dụng đen” vào lúc 16h40 ngày chủ nhật 20/12/2020 trên kênh THVL1 để có bài học cảnh giác cho mình, và hãy luôn bình tĩnh để có những lựa chọn sáng suốt! Nhưng tốt nhất là không nên vướng vào các hình thức cho vay trực tuyến này vì lãi mẹ đẻ lãi con tăng lên từng ngày, từng giờ.

Hãy cùng đón theo dõi chương trình Chuyện Cảnh Giác được phát sóng vào 16h40 chủ nhật hàng tuần trên kênh THVL1 để vạch trần trò lừa đảo của kẻ gian. Và nếu quý vị có gặp phải hay từng chứng kiến những vụ việc lừa đảo, hãy mạnh dạn chia sẻ về cho Ban Biên Tập chương trình thông qua email [email protected] để chúng ta cùng rút ra những bài học cảnh giác bổ ích quý vị nhé.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục