TV Show
Ẩm thực Cù Lao Mây
“Bần ơi, ơi hỡi cây bần Lá xanh bông trắng lại gần không thơm” Theo dòng nước, ta dễ dàng bắt gặp cây bần mọc ven 2 bờ sông rạch, ao hồ. Trái to tròn, hơi dẹt như cái dĩa thì được gọi là bần dĩa. Còn có loại mọc ở vườn thì trái nhỏ […]

“Bần ơi, ơi hỡi cây bần

Lá xanh bông trắng lại gần không thơm”

Theo dòng nước, ta dễ dàng bắt gặp cây bần mọc ven 2 bờ sông rạch, ao hồ. Trái to tròn, hơi dẹt như cái dĩa thì được gọi là bần dĩa. Còn có loại mọc ở vườn thì trái nhỏ hơn, cỡ chỉ như trái ổi, gọi là bần ổi.

Tuy chỉ mọc dại, nhưng bần từ lâu đã gắn liền với đời sống, sinh hoạt vùng sông nước. Trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người dân miền Tây.

Cây bần – Quả mọng, khi còn non thường giòn và cứng, khi chín mềm

Tại cù lao Mây, người dân quanh năm sống gắn liền với miệt vườn được bồi đắp phù sa. Cùng với nguồn sản vật dồi dào mà dòng Hậu giang mang lại. Đã tạo nên nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực cho vùng đất này.

Tập quán sinh hoạt hình thành từ văn hóa khẩn hoang, nên người dân cù lao thường có phương pháp chế biến đơn giản như nướng, chiên, nấu canh hoặc nấu lẩu. Kết hợp nhiều nguyên liệu sẵn có quanh nhà. Như con cá tra mới lưới, con gà trong vườn, vài trái bần hái ở ven sông. Cùng các loại rau đồng như rau nhút, rau muống, bông súng, bông điên điển, so đũa.  

Lẩu bần ăn cùng với các loại rau đồng như rau nhút, rau muống, bông súng, bông điên điển, so đũa…

Sự hấp dẫn của lẩu bần không chỉ nằm ở cái tên nghe đồng quê dân dã mà chính là hương vị rất đặc trưng của món ăn.

Để nồi lẩu có hương vị thơm ngon, đúng điệu. Người dân cù lao thường chọn cá tra, có thịt ngọt và béo vừa phải. Đem nấu cùng trái bần chín. Vị chua thanh, dìu dịu của trái bần, kết hợp vị ngọt béo của cá tra và sự tươi ngon của các loại rau đồng. Khiến bao thực khách một lần thưởng thức qua món lẩu bần cá tra, khó lòng quên được.

Ngồi giữa miệt vườn cây trái xanh mát. Con gà mang đi ướp với chút muối ớt và gia vị cho thấm rồi gác trên lửa than hồng. Mùi thơm béo ngậy từ mỡ gà nướng, quyện với mùi khói thoang thoảng. Bắt thêm con cá tai tượng, đem chiên xù trong chảo dầu nóng cho vàng giòn. Đôi ba câu chuyện vui trong lúc chờ thức ăn chín. Bấy nhiêu cũng đủ thấy sức hấp dẫn của đời sống dân dã xứ cù lao ở Vĩnh Long.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục