Nếu gốm trước đây hướng nhiều đến tính ứng dụng thì gốm hiện đại lại hướng đến tính mỹ thuật, các sản phẩm gốm trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Hòa vào dòng chảy hiện đại ấy, những người nghệ nhân luôn không ngừng sáng tạo để nghệ thuật gốm không bị mai một và có thể tiếp cận được với những người đam mê gốm.
Mỗi tác phẩm đều được làm thủ công. Đất mua về được ủ một thời gian, khi mang ra làm thì nhồi lại. Sau đó người nghệ nhân tạo hình bằng kỹ thuật xoay, nắn hoặc se đất. Tiếp theo là công đoạn trang trí với các kỹ thuật phổ biến như đắp nổi, lộng, khắc, vẽ rồi để khô tự nhiên một thời gian. Sau đó làm men. Một tác phẩm thường được sử dụng nhiều lớp men. Đó cũng là điểm khác biệt trong các tác phẩm của họa sỹ gốm Nguyễn Thị Dũng.
Sau khi đã tạo hình và trang trí hoàn chỉnh, tác phẩm gốm sẽ được đưa vào lò nung. Với đôi tay điêu luyện, những đóa hoa được đắp lên gốm trở nên vô cùng mềm mại, nhẹ nhàng mà trong trẻo, tươi mới, mang trong mình sức sống mãnh liệt. Đó là điều làm nên tên tuổi của vợ chồng họa sĩ Ngô Trọng Văn – Nguyễn Thị Dũng trong dòng gốm hiện đại.
Từ một tạo vật thô sơ là đất, qua đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người nghệ sĩ, trải qua nhiều công đoạn tạo thành một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng tâm tình của tác giả và giàu giá trị văn hóa.