Từ nhiều đời nay, lì xì là một trong những tục lệ tốt đẹp không thể thiếu của dân tộc Việt Nam với mong muốn lấy may từ những ngày đầu năm mới. Bao lì xì thường có màu đỏ – một trong những màu cát tường nhất trong những lễ hội. Hơn nữa, phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc.
Không chỉ người lớn lì xì cho trẻ nhỏ, mà trẻ nhỏ còn lì xì để tỏ lòng hiếu kính với ông bà và những người lớn tuổi. Lì xì còn được mang tặng cho họ hàng, láng giềng và những người quen biết thay cho lời chào, lời chúc sức khỏe và mong một năm mới an lành, phát tài phát lộc.
Là một nét đẹp trong văn hoá ẩm thực của Tết cổ truyền dân tộc, mứt Tết không chỉ là những món ăn chơi mà còn ấp ủ trong hương vị thơm ngon dân dã đó là những ý nghĩa tốt lành cho một năm mới với mọi điều viên mãn. Bởi vậy vào dịp Tết trên bàn của mỗi gia đình người dân miền tây luôn hiện hữu khay mứt tết và ấm trà ngon để thiết đãi khách quý khi tới chơi nhà.
Món mứt mang nét dân dã, chân quê nhưng công đoạn làm mứt cũng khá cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ từ người làm. Mứt được làm từ cơm dừa cứng, bào mỏng, rửa sạch và để ráo nước. Ướp đường độ một đến hai giờ rồi sên cho tới khi đường khô là được. Trong đó, công việc sên mứt là khâu quan trọng và cực nhất, người sên mứt phải là người có tay nghề và sự kiên nhẫn để khuấy đều và liên tục trong vài giờ thì miếng mứt dừa mới trắng phau, đẹp mắt và không bị vàng vì quá lửa.