TV Show
Nghề dệt Châu Mạ
Ngược về thượng nguồn sông Đồng Nai, ta tìm đến với xã Tà Lài. Không chỉ là vùng đất đại ngàn linh thiêng, từng tồn tại một vương quốc người Mạ huyền bí. Chứa đựng cả kho tàng văn hóa phong phú và vô cùng đặc sắc. Tà Lài còn được biết đến với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, được người Châu Mạ gìn giữ, lưu truyền suốt nhiều thế hệ.

Chuyện kể rằng, khi xưa, người Châu Mạ ở Tà Lài sống dưới sự bao bọc của rừng. Đàn ông Mạ lo dựng nhà, săn bắn, hái lượm. Phụ nữ Mạ lo chăm sóc con cái, chăn nuôi và dệt vải. Từ tấm vải thổ cẩm thô sơ, phụ nữ Mạ đã khéo léo dùng vỏ hoặc rễ cây để nhuộm màu. Tạo ra các họa tiết cách điệu từ muông thú, thiên nhiên, trời đất, thần linh mang màu sắc sặc sỡ. Thể hiện thế giới quan sinh động về đời sống sinh hoạt và văn hóa tín ngưỡng của người Mạ.

Đến với Tà Lài, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Mạ ngồi dệt thổ cẩm ở hiên nhà hoặc dưới tán cây. Bàn tay nhịp nhàng, động tác khéo léo, từng sợi màu cứ thế đan xen kể biết bao câu chuyện trên từng tấm vải thổ cẩm. Không có công thức nào cho việc dệt thổ cẩm của người Mạ. Tất cả đều được đúc kết từ kinh nghiệm của tổ tiên rồi truyền từ đời này sang đời khác. Qua mỗi thế hệ, tùy theo điều kiện sinh hoạt mà tùy biến sáng tạo thêm. Cũng chính nhờ sự kế thừa này, mà thổ cẩm Tà Lài luôn ẩn chứa trong mình sức hấp dẫn riêng biệt.

Bên cạnh văn hóa cồng chiêng, dệt thổ cẩm truyền thống đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Châu Mạ. Không chỉ chứa đựng giá trị về vật chất mà còn thể hiện lòng biết ơn thiên nhiên của con người, mang giá trị lịch sử của một nền văn hóa tồn tại lâu đời tại Tà Lài, Đồng Nai.


Bình luận

Tin cùng chuyên mục