Để trồng rau móp, người dân đào mương rộng dẫn nước từ kênh rạch vào rồi chỉ cần cắm cây con xuống để chúng tự phát triển, không cần chăm sóc nhiều. Sau một năm trồng thì có thể thu hoạch được. Bà con nông dân hái rau móp non có cọng lá suôn dài màu xanh nhạt với những gai nhỏ nham nhám, lá chưa bung. Phần lá già rau móp có nhiều gai nhọn sắc nằm giữa thân nên người hái lúc nào cũng phải mặc quần áo dài tay chân, đeo bao tay để không bị xước da.
Đọt non của cây rau móp có thể được dùng để chế biến thành nhiều món như ăn sống, bóp gỏi, luộc, xào, nấu canh chua, nhúng lẩu… Nhiều hộ trồng còn muối chua số lượng lớn để bán.
Rau móp muối có vị chua, giòn, thanh mát mà lại rất sạch. Món rau móp không chỉ là thực phẩm quen thuộc mà còn là đặc sản của bà con Củ Chi. Bên cạnh chế biến những món ăn ngon thì theo Đông y rau móp còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Vì vậy rau móp được nhiều người tìm đến thưởng thức và làm thuốc chữa bệnh hằng ngày.