Tập 95 – PS Ngày 25/1/2020.
Từng mảnh gỗ được ghép sít chặt với nhau qua lần hơ lửa, các mối ghép không cần keo dán mà khít chặt, phẳng lỳ. Chính kỹ thuật ghép gỗ khéo léo, bí quyết bào da đã tạo nên sự khác biệt cho từng chiếc trống của làng nghề.
Sự khác biệt trong tiếng trống của làng Bình An còn nhờ một lò xo thép được gắn trong bụng trống giúp tiếng trống thêm hào hùng lắng đọng. Mỗi mặt được căng da người dân sẽ lựa thời điểm có nắng, vừa gìn da vừa gõ trong 2 ngày. Người thợ đứng lên trên mặt trống vừa dậm chân giúp da vàng đều vừa lắng nghe để cảm nhận được tiếng trống đã đạt yêu cầu hay chưa? Đây là một kỹ thuật đòi hỏi tài năng riêng của người thợ.
Công đoạn tiếp theo, trống được xử lý để láng mịn và có sắc màu riêng. Người thợ tiếp tục bào da để hoàn thiện tiếng trống. Công đoạn cuối cùng để ấn định hình ảnh của trống Bình An chính là mặt âm dương được vẽ trên mặt trống.
Tết đến cũng là mùa trống của làng Bình An, hơn 20 gia đình của dòng họ Nguyễn cha truyền con nối bí quyết riêng để tiếng trống ấm vang xa, bền bỉ..
Tiếng trống hội, trống lễ, trống nhạc hay tiếng trống tiễn người trở về với đất mẹ đều mang một ý nghĩa thiêng liêng. Âm thanh trống Bình An tô đậm thêm bản sắc văn hoá truyền thống mang nét đặc sắc của dân gian Nam Bộ.
Xuân về tiếng trống lại rộn ràng khắp nơi nơi, đó là tiếng chúc năm mới nhiều niềm vui. Nghề làm trống vất vả đòi hỏi lắm thời gian và tâm sức nhưng vẫn gắn bó với đời người làng Bình An. Cha truyền con nối với hơn 20 gia đình làm nghề trống đã cung cấp cho Nam Bộ và cả những nơi khác nữa. Tiếng trống Bình An mang lại những điều an lành cho tất cả mọi người…