TV Show
Việt Nam Mến Yêu: Tim và Phương Thảo dắt tay nhau lên đất Mường nghe tiếng sáo Ôi
“Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” - Câu nói ám chỉ 4 cộng đồng người Mường cổ tại các vùng ở Hòa Bình. Dân tộc Mường có một nền văn hóa nghệ thuật lâu đời, mang nhiều màu sắc khác nhau. Nổi bật trong dàn nhạc dân ca, là nhạc cụ truyền thống với 3 nhóm, nhạc gõ, nhạc hơi, nhạc dây. Trong hệ thống nhạc cụ bằng hơi của người Mường, nổi bật nhất là cây sáo Ôi. Sáo Ôi được sử dụng ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, như lễ hội, lễ cưới, ngày tết... Đó là tiếng sáo của nghĩa tình.

Trong tập phát sóng tuần này của Việt Nam mến yêu vào ngày 8/9, ca sĩ Tim và hoa khôi sinh viên Hoàng Phương Thảo đã đắt tay nhau lên vùng đất xa xôi tại huyện Kim Bôi, thuộc tỉnh Hòa Bình để tìm gặp một trong những người nghệ nhân còn sót lại có thể chế tác và chơi thành thạo cây sáo Ôi truyền thống.

Đến đất Mường, hỏi thăm nghệ nhân Bùi Tiến Xô thì ai ai cũng biết, người đàn ông đã dành trọn tình yêu đối với những thanh âm của riêng xứ mình.

Tim và Phương Thảo gặp gỡ nghệ nhân Bùi Tiến Xô

Để làm một cây sáo Ôi, phải công phu, tỉ mỉ ngay từ lúc chọn cây nứa như ý, cần lựa cây nứa mọc ở đằng Đông, ngọn hướng thẳng về phía mặt trời mọc, quan trọng hơn phải là cây nứa già.

Nghệ nhân Bùi Tiến Xô đi vào rừng để chọn ra những cây nứa ưng ý để làm sáo

Đặc trưng của sáo ôi là 4 lỗ, nhưng lại có 5 hàng âm là: đồ, mi, pha, son, si. Cũng có người gọi đó là 5 cao độ: nốt Hò, nốt Sự, nốt Sang, nốt Xê, nốt Cống.

Lỗ chính giữa được khoan phía dưới ống (dùng ngón cái để bấm), 3 lỗ còn lại nằm phía trên ống, 1 lỗ để thông hơi ở trên đốt.

Công đoạn cuối cùng, dùng lá chuối bịt kín lỗ dùi phía đầu thổi để cho hơi không thoát ra ngoài, mà thông thẳng từ ống trên xuyên qua đốt xuống ống dưới, phát ra âm thanh. Khi thổi, người ta dùng 4 ngón tay để bấm và điều chỉnh các lỗ theo độ vang cao thấp của cây sáo.

Tùy từng hoàn cảnh khác nhau, người chơi sáo ôi thổi nhanh hay chậm, vui hay buồn, lúc nhẹ nhàng sâu lắng, lúc rộn ràng tươi vui. Sáo ôi được sử dụng nhiều nhất trong những đêm trăng thanh gió mát, tiếng sáo bên cửa lúc trầm, lúc bổng. Khi thủ thỉ tâm tình giãi bày nỗi niềm với người yêu thương, lúc lại thong thả khoan thai đợi mùa về.

Tim và Phương Thảo quan sát nghệ nhân đang đục lỗ cho cây sáo

Ngoài tiếng sáo Ôi, nghệ nhân còn giới thiệu cho 2 MC của chúng ta một điệu chiêng Mường truyền thống. Nếu như sáo ôi đứng đầu bộ nhạc cụ hơi, thì bộ chiêng là linh hồn của bộ nhạc cụ gõ. Ðối với người Mường Hòa Bình, chiêng không đơn thuần là nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng nhất, linh thiêng nhất trong sinh hoạt văn hóa. Tiếng cồng chiêng boòng beng mang cái hồn linh thiêng của rừng núi, là âm thanh nối kết con người với thế giới siêu nhiên. Ngay từ khi sinh ra đến lúc về với cõi vĩnh hằng, những thanh âm ấy đã chiếm lĩnh cả không gian và thời gian, đi sâu vào nhiều mặt cuộc sống và trải suốt cuộc đời mỗi người dân Mường.

Nghệ nhân Bùi Tiến Xô cùng người dân xứ Mường tại tỉnh Hòa Bình từng ngày vẫn gìn giữ từng tiếng sáo, điệu chiêng. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia. Từng nỗi nhớ, khát vọng của người dân nơi đây đều thấm đượm tiếng sáo thiên thai, tiếng sáo ôi – tiếng linh thiêng đất trời qua từng nhịp chiêng.

Tim – Phương Thảo cùng ekip thực hiện chương trình bên đội chiêng xứ Mường.

Kết thúc chuyến hành trình đến thăm vùng đất Mường ở Kim Bôi – Hòa Bình, Tim và Phương Thảo đã hiểu và yêu quý hơn cái tâm huyết mà những người con nơi đây vẫn mãi trân trọng và giữ gìn nguyên vẹn những âm sắc và vũ điệu của dân tộc mình.

Đừng bỏ lỡ những chuyến hành trình tiếp theo của Việt Nam mến yêu, để cùng các MC của chương trình đến với những vùng đất mới mang đầy những giá trị truyền thống cùng những cảnh đẹp nức lòng của đất nước. Chương trình Việt Nam mến yêu với sự đồng hành của nhãn hàng An Trĩ Vương – Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia, được phát sóng vào lúc 19h50 thứ 7 hàng tuần trên kênh THVL1.

Topsao


Bình luận

Tin cùng chuyên mục